PV: Thưa bà, bà nhận định như thế nào về mức ảnh hưởng dịch Covid 19 tới các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian vừa qua?

Bà Trương Thị Chí Bình: Năm nay là năm vô cùng khó khăn. Quý II, quý III là khó khăn nhất. Quý I thì còn đỡ, quý II, quý III là doanh nghiệp rất khó khăn vì lúc đấy các đơn hàng bị hủy rất nhiều, giảm đơn hàng. Thế nhưng đến cuối quý III thì đã có dấu hiệu phục hồi một chút. Trong ngành công nghiệp hỗ trợ với lĩnh vực chế tạo có cái hay là vào thời điểm tất cả thế giới đóng cửa thì có mỗi Việt Nam hoạt động.

{keywords}
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (ảnh: Băng Dương)

Rất nhiều các công ty đầu chuỗi họ chuyển mua từ nước ngoài sang Việt Nam bởi vì chỉ có mỗi nhà máy Việt Nam hoạt động thôi. Điều đó cũng mở ra một cơ hội mới cho doanh nghiệp của ta. Trước đấy, chúng ta cũng không thể nghĩ là có thể làm được sản lượng nhiều như thế, có chất lượng như thế.

Đó là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thể hiện được năng lực của mình. Người mua họ cũng thấy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể mở rộng sản xuất được. Phải nói khách quan là so với rất nhiều ngành khác như là dệt may, da giày thì công nghiệp hỗ trợ trong ngành chế tạo đỡ bị ảnh hưởng hơn.

Tất nhiên cũng vô cùng khó khăn và doanh nghiệp rất vất vả để duy trì sản xuất, không đuổi việc người lao động. Bởi họ phải chuẩn bị khi có đơn hàng lại thì sẽ phải có đủ lực lượng lao động để làm được ngay.

PV: Nói như vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế tạo lại mở rộng đơn hàng ngay trong dịch. Xin bà cho biết rõ hơn về kết quả đã đạt được?

Bà Trương Thị Chí Bình: Việc gia tăng đơn hàng như vậy diễn ra vào khoảng Quý II cho đến giữa Quý III, khi mà những nước trong khu vực Châu Á phục hồi. Đơn hàng hồi lại như cũ. Tuy vậy, các đơn hàng đó vẫn phải nằm trong năng lực sản xuất.

Doanh nghiệp Việt Nam đa số sản xuất linh kiện rời, cụm linh kiện nguyên chiếc thì ít doanh nghiệp làm được. Doanh nghiệp làm dập thì được nhận thêm những linh kiện dập thôi, không thể thêm cái gì khác. Ngành xe máy, linh kiện mua trong nước nhiều hơn rất nhiều. Những linh kiện liên quan đến cơ khí, nhựa gia tăng, Còn linh kiện điện tử thì không thay đổi mấy.

{keywords}
Các linh kiện chi tiết xe máy được thu mua trong nước nhiều
{keywords}
Doanh nghiệp công nghiệp chế tạo xoay xở để không phải đóng cửa

Thời điểm đó, tính ra tăng trưởng chung thì không tăng trưởng. Bởi vì sẽ có những đơn hàng khác giảm đi nhưng lại có những đơn hàng them. Việc này cũng tùy vào doanh nghiệp, có doanh nghiệp được nhận và cũng có doanh nghiệp không được nhận, chứ không phải là tất cả đều như nhau. Cho nên nếu nói về số lượng thì nó không có sự gia tăng gì đáng kể, nhưng có một thay đổi về chất là những tín hiệu đó làm cho doanh nghiệp cảm thấy phấn khởi hơn.

PV: Vậy, có tình trạng doanh nghiệp phải sa thải công nhân hoặc là tạm thời đóng cửa không thưa bà?

Bà Trương Thị Chí Bình: Rất may là hầu như không có doanh nghiệp nào của Hiệp hội VASI phải đóng cửa cả. Về lao động, các doanh nghiệp đa phần không sa thải mà chỉ giảm bớt giờ làm, nghỉ luân phiên nhưng chế độ làm việc này cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn thôi. Người lao động không bị ảnh hưởng nặng nề lắm. Các đơn hàng giảm 50% thì rất nhiều nhưng doanh nghiệp nói chung cũng rất cố gắng duy trì để người lao động vẫn có việc làm.

PV: Các doanh nghiệp của Hiệp hội đã triển khai những giải pháp như thế nào để vừa là ứng phó với đại dịch?

Bà Trương Thị Chí Bình: Thực ra ngành công nghiệp hỗ trợ chế tạo khó có giải pháp ứng phó độc lập bởi vì họ không sản xuất sản phẩm cuối cùng. Họ không thể chuyển được từ sản phẩm này sang sản phẩm khác. Vào thời điểm khó khăn đấy thì không thể tìm thêm những người mua mới bởi vì tất cả người mua đều rất khó khăn.

Không như dệt may chuyển hướng vào thị trường nội địa, thời điểm dịch, lúc giãn hoãn, ít đơn hàng, doanh nghiệp công nghiệp chế tạo  dành thời gian để củng cố lại năng lực nội tại của họ, đào tạo nhân viên rồi bảo trì bảo dưỡng máy móc. Điều đó cũng có ý nghĩa để chuẩn bị cho cái đơn hàng sau đợt dịch thôi, chứ còn không thể chuyển sang ngành gì khác được cả.

PV: So với tác động của các khủng hoảng kinh tế trước đây, bà đánh giá mức độ ảnh hưởng tới doanh nghiệp lần này như nào?

Bà Trương Thị Chí Bình: Mức ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do dịch lần này là lớn nhất. Cách đây 10 năm là khủng hoảng về tài chính, tác động từ xa hơn chứ không trực tiêp. Thời điểm đấy, số lượng doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng trong lĩnh vực chế tạo ít hơn bây giờ rất nhiều. Thế cho nên phải nói rằng, dịch tác động rất mạnh, khá thê thảm đến sản xuất và lĩnh vực chế tạo.

PV: Bà đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng, thích nghi của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam khi có những khó khăn bất ngờ xảy ra như vậy?

Bà Trương Thị Chí Bình: Đầu tiên phải nói là, doanh nghiệp rất chủ động vì bệnh dịch này không giống những khủng hoảng kinh tế khác. Việc đầu tiên để đảm bảo sản xuất để không bị đóng cửa nhà máy thì doanh nghiệp phải rất chủ động trong việc làm sao để giữ được an toàn của sản xuất, cho dù là đơn hàng còn rất ít thì vẫn phải an toàn, không để đóng cửa nhà máy vì lý do khách quan như dịch bệnh. Quy trình thực hiện giãn cách xã hội đảm bảo an toàn sản xuất, các doanh nghiệp phải tự viết ra, chia sẻ với nhau và thực hiện tại nhà máy một cách rất nghiêm ngặt.

Ngay chế độ ăn trưa ngồi cách nhau hay là luân phiên ăn trưa, rồi khoảng cách trong việc sản xuất… Nói thế thôi, ngành sản xuất dù là sản xuất chế tạo thì số lượng lao động rất đông, chỉ cần một người bị dính Covid-19 hay là F2 thôi là sẽ đóng cửa nhà máy. Nên phải nói rằng, doanh nghiệp rất chủ động trong việc có những ứng phó với cái đại dịch.

Có những thời điểm, chính quyền địa phương rất khắt khe trong giãn cách xã hội, kiểm soát gắt gao, ảnh hưởng việc chở công nhân đi làm hoặc việc vận chuyển nguyên vật liệu, nhưng các doanh nghiệp đều cố gắng khắc phục. Tôi nghĩ là họ đã rất kiên cường để nhà máy không ngừng sản xuất.

Ngoài ra, vì Việt Nam ứng phó với Covid -19 khá tốt cho nên sau một thời gian, tiêu dùng trong nước cũng được phục hồi hơn. Một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm phí trước bạ ô tô, giãn thuế tiêu thụ đặc biệt… nên sản xuất chế tạo cũng được phục hồi, các doanh nghiệp có đơn hàng trở lại.

Xin cảm ơn bà!

Băng Dương (thực hiện)