Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp ô tô đang rất lo ngại.

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17.54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%). Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thương mại (gồm ô tô tải và ô tô bus) trong nước hiện nay chủ yếu nhập khẩu linh kiện từ phía Trung Quốc, trong đó có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tải Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc.

{keywords}
Công nghiệp ô tô thiếu hụt nguồn linh phụ kiện nhập khẩu để sản xuất

Ngành sản xuất, lắp ráp xe du lịch (xe con) có một số dòng xe nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc (như dòng xe Peugeot của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải – THACO, nhập khẩu linh kiện từ Vũ Hán để phục vụ lắp ráp trong nước); Hàn Quốc, Ấn Độ (như các dòng xe Hyundai của Tập đoàn Thành Công, Kia của Thaco); Nhật Bản và Đông Nam Á (như các dòng xe của các thương hiệu Toyota, Honda, Ford...). Các quốc gia này hoặc đang là nơi có dịch bệnh bùng phát (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản – một số nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô tạm đóng cửa hoặc có nguy cơ tạm đóng cửa), hoặc đều phải phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh phụ kiện (Ấn Độ, Đông Nam Á);

Một số doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất xe tải (như Công ty cổ phần ô tô TMT) có sử dụng các chuyên gia từ Trung Quốc để phục vụ công tác thử nghiệm sản phẩm hoặc hỗ trợ vận hành dây chuyền sản xuất (không sử dụng lao động phổ thông từ Trung Quốc). Các chuyên gia này hiện vẫn chưa trở lại Việt Nam để làm việc.

{keywords}
Công nghiệp ô tô thiếu hụt nguồn linh phụ kiện nhập khẩu để sản xuất

Một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đang tiến hành hoạt động sản xuất ở các vùng đã được báo cáo là có trường hợp nhiễm bệnh và đang phải tiến hành nhiều biện pháp cách ly phòng dịch (như Toyota, Honda và Daewoo (sản xuất xe bus) hiện đang hoạt động ở Vĩnh Phúc). Đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ các doanh nghiệp, nhà máy và người lao động vẫn đang vận hành, làm việc bình thường, tuy nhiên trong trường hợp dịch lan rộng hơn tại địa phương thì có thể sẽ ảnh hưởng tới việc tổ chức hoạt động sản xuất.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, dự kiến đến giữa tháng 3 hoặc cuối Quý I/2020, tác động của tình hình dịch bệnh đến sản xuất trong nước sẽ rõ rệt, theo hướng sản lượng sản xuất trong nước sẽ bắt đầu giảm, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu Chính phủ không có các biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ các điểm nghẽn nêu trên.

Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, một yếu tố nữa dự báo sẽ có những tác động đến ngành sản xuất ô tô trong nước, đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, trong đó có nội dung sửa đổi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định về kiểm tra, thử nghiệm theo lô đối với ô tô nhập khẩu. Việc này dự kiến sẽ khiến lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian tới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Mặc dù vậy, dự án sản xuất, lắp ráp ô tô Vinfast tại Hải Phòng có thể sẽ gia tăng sản lượng trong năm nay (trong trường hợp thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn năm 2019) – do Vinfast hầu như không nhập khẩu linh phụ kiện trực tiếp từ Trung Quốc. Trong trường hợp Vinfast gia tăng sản lượng, dự kiến sẽ bù lại một phần sản lượng bị giảm của toàn ngành (đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi).

Các hiệp hội kiến nghị, Chính phủ cần trực tiếp đàm phán với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Đồng thời, cần sớm ban hành và đề xuất ban hành các chính sách mới về thuế nhập khẩu CKD phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng như chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn.

Băng Dương