Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh trở thành ngành công nghiệp phát triển hiện đại, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện điện tử, sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may, da giày… dần thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

{keywords}
Hiện nay, Vĩnh Phúc có gần 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Đến năm 2025, CNHT của tỉnh sẽ trở thành "mắt xích" cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có gần 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu là sản xuất phụ tùng, linh kiện, cung ứng cho các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy. Tuy nhiên, các mối liên kết giữa các nhà sản xuất chưa bền vững, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật chưa hỗ trợ kịp thời cho phát triển ngành CNHT nói riêng và công nghiệp nói chung.

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những chính sách của Trung ương, của tỉnh thì cần ban hành chính sách riêng để tạo động lực hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất CNHT phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí xây dựng Nghị quyết "Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025" là cần thiết.

Tuy nhiên, khi xây dựng nghị quyết nên khảo sát kỹ thực trạng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh, từ đó xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm quy định về quản lý chính sách hỗ trợ để có chế tài xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm và điều khoản quy định về những trường hợp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thì chỉ được hưởng mức ưu đãi cao nhất.

An Hưng