Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất khuôn mẫu các loại như linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp..., đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Đơn cử như Công ty Cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina), trong 3 năm qua, đã sản xuất được lốp xe du lịch và xe tải nhẹ đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, là một trong những thị trường về lốp xe rất khắt khe. Năm 2020, công ty ra mắt thương hiệu lốp riêng cho phân khúc xe du lịch cỡ A, B.

Tại Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội (NHH) - DN sản xuất, cung cấp hơn 40% linh kiện nhựa cho Honda và nhiều công ty đa quốc gia khác đang hoạt động tại Việt Nam, nhờ không ngừng đổi mới, sáng tạo, cải tiến liên tục, NHH đang là đối tác tin cậy của Honda, Toyota, Piaggio, VMEP, Panasonic, LG, VinFast, Visteon, Hyundai…

{keywords}
Dây chuyền lắp ráp ô tô Mazda của Thaco (ảnh: Băng Dương)

Bên cạnh đó, công ty cũng là nhà cung cấp cho Toyota - đối tác lớn của NHH gần 10 năm qua. Năm 2010, sau 2 năm đánh giá chặt chẽ về năng lực, nhận thấy sự nghiêm túc trong đầu tư, phát triển, tinh thần nỗ lực, cầu tiến của DN, Toyota đã đặt hàng NHH sản xuất 2 chi tiết, và 8 năm sau số linh kiện của NHH sản xuất cho Toyota lên đến 30 chi tiết.

Năm 2020, Toyota tiếp tục giao thêm 14 linh kiện nữa. Đến nay, mức độ hợp tác giữa NHH và Toyota phát triển đạt đến độ tự thiết kế, chế tạo các khuôn nhựa và gia công những bộ kiểm tra chi tiết nhựa ô tô. Không dừng lại ở đó, Toyota đang hỗ trợ, phối hợp cùng NHH để nội địa hóa thêm các đời xe khác. Đặc biệt, năm 2019, NHH có thêm VinFast, với hơn 50% chi tiết nhựa xe máy điện của VinFast đều do NHH sản xuất.

Tương tư, nhiều công ty đã trở thành vệ tinh quen thuộc cho các hãng xe như công ty cơ khí Mai Văn Đáng, công ty EMTC...

Với các Tập đoàn lớn, chủ trương xây dựng các cụm, khu công nghiệp hỗ trợ cho ô tô đã được quan tâm, chú trọng đầu tư..

Năm 2020, tại Khu công nghiệp Việt Hưng (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng, do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư.

{keywords}
Công nghệ sơn ô tô (ảnh: Băng Dương)

Theo kế hoạch phát triển, tổ hợp không chỉ là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn Thành Công mà còn hướng tới xuất khẩu, mang giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới. Vì thế, tổ hợp này sẽ thu hút, quy tụ thêm nhiều DN trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.

Tại Hải Phòng, Vinfast đã đầu tư và vận hành thành công khu công nghiệp vệ tinh cho ô tô. Mới đây, Vingroup còn bày tỏ mong muốn sẽ khảo sát đầu tư một tổ hợp công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ tại Hà Tĩnh.

Có thể nói, sự lớn mạnh của nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hay những chiến lược lớn của các hãng xe tại Việt Nam đã cho thấy một triển vọng tích cực cho công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm nghẽn vẫn còn cố hữu, đó là dung lượng thị trường ô tô tại Việt Nam còn nhỏ. Mặc dù quy mô thị trường có bước tăng trưởng nhưng dung lượng sản xuất của từng mẫu xe còn phân tác. Theo tính toán của các nhà sản xuất, một mẫu xe phải đạt 50.000 chiếc/năm thì mới làm đòn bẩy thúc công nghiệp hỗ trợ phát triển. 

Tại Việt Nam, mẫu "đắt khách" nhất mới đạt con số hơn 30.000 xe là Toyota Vios. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng, để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và ngành công nghiệp ô tô phát triển, cần khắc phục những điểm yếu về quy mô thị trường nhỏ, thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu. Đồng thời nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước. Nhà nước cần có các chính sách khả thi hơn để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo kịp các nước, rút ngắn quá trình cạnh tranh chi phí, thông qua việc hỗ trợ về thuế suất để giảm chi phí khấu hao.

Chi Bảo