Để phát triển được công nghiệp hỗ trợ dệt may, giúp tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng được ưu đãi thuế trong các FTA, ngành dệt may Việt Nam phải hình thành được chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sợi- dệt nhuộm- hoàn thiện may mặc. Để xuất khẩu vào các nước thành viên của CPTPP, EVFTA, sản phẩm dệt may Việt Nam phải có xuất xứ từ sợi hoặc từ vải.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phụ thuộc nguyên phụ liệu, đầu tư dệt nhuộm ở Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn từ chính quan điểm của các cấp địa phương khi “nói không” với lĩnh vực này.

Tính hết năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc từ chối 4 lần dự án dệt nhuộm của TAL (Hồng Kông) vốn đầu tư lên tới 350 triệu USD. Năm 2014, Đà Nẵng cũng đã từ chối 2 dự án dệt nhuộm và may mặc. Năm 2018, tỉnh Tây Ninh cũng từ chối cho Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp TMTC, chủ đầu tư Khu công nghiệp TMTC (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu). Hàng loạt tỉnh thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng nêu rõ chủ trương hạn chế hoặc tạm dừng thu hút đầu tư lĩnh vực dệt nhuộm.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường của địa phương là chính đáng nhưng lại tạo ra nút thắt cho chính ngành dệt may trong việc hình thành chuỗi cung ứng nội địa. 

{keywords}
Tỉnh né dự án dệt nhuộm, khó hình thành chuỗi cung ứng nội địa cho dệt may

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt như nguyên phụ liệu của ngành dệt may, đầu tiên phải nói đến là nút thắt nằm ở nhận thức của các cơ quan quản lý ở các tỉnh, Bộ ban ngành về định kiến cứ dệt may là ô nhiễm môi trường, không xử lý được. Tại sao chúng ta cứ đưa vấn đề môi trường lên để làm rào cản ngay từ lúc chúng ta có ý định đầu tư?

Theo ông Việt, trong cuộc họp của Thủ tương Chính phủ với ngành dệt may và da giày Việt Nam gần đây, Hiệp hội Dệt May VN cũng như Tập đoàn Dệt may VN cũng đã có những kiến nghị về câu chuyện phải thay đổi nhận thức của Bộ ban ngành về ô nhiễm môi trường.

“Rõ ràng nếu ta đầu tư đủ tầm thì hoàn toàn có thể cho phép chúng ta xử lý được tất cả chất thải trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn của VN và quốc tế. Không có lý do gì chúng ta cứ cho rằng đầu tư vào dệt nhuộm là ô nhiễm môi trường được, vì công nghệ bây giờ cho phép rồi”, ông Việt nói.

Ông Thân Đức Việt cho rằng, điểm nút đó sẽ được giải quyết nếu như Chính phủ có những quy hoạch vùng sản xuất dệt nhuộm và chúng ta đầu tư tới tầm trong việc xử lý nước thải, thì chắc chắn nhận thức của các Bộ ban ngành, cũng như của các tỉnh, địa phương sẽ thay đổi về câu chuyện đầu tư dệt nhuộm.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Dệt may Hà Nội thẳng thắn,  đây là một bài toán khó của ngành dệt may Việt Nam hiện nay. 95% DN dệt may VN là những DN vừa và nhỏ. Với mức đầu tư cho 1 nhà máy sản xuất được vải, nguyên phụ liệu là rất lớn. Với quy mô nhà máy khoảng 10 triệu mét/năm thì cần khoảng 30 triệu USD, gần 700 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong khi đó, với 10.000 DN dệt may thì 85% là có quy mô dưới 50 tỷ đồng, 15% các DN còn lại chỉ có khoảng 3% các DN có vốn trên 500 tỷ đồng thôi. Vậy đầu tư vào sản xuất này là quá khó, là thách thức không hề nhỏ đối với các DN vừa và nhỏ.

“Vốn lớn khiến doanh nghiệp thấy rủi ro quá cao khi thiết lập chuỗi sản xuất. Nhưng trong đó, vấn đề rủi ro nhất là áp lực từ các cơ quan quản lý đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Việc xả thải của các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và vải luôn là vấn đề nóng, luôn bị soi. Chính vì thế, các địa phương cũng e ngại  nếu đứng ra hỗ trợ DN xây dựng.

“Chính sách của Nhà nước rất thiết thực, rất sát sao nhưng chưa đủ để các DN dám mạnh tay đầu tư, kể cả DN có lực”, bà Oanh nhìn nhận.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần sớm triển khai thí điểm việc thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho dệt may, da giày, hóa chất, có hệ thống xử lý nước thải riêng để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện, chúng ta mới có Khu công nghiệp dệt may Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) chính thức được thành lập năm 2006 để tập trung các dự án công nghiệp dệt may. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương Đề án xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Khu công nghiệp Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Ngoài ra, dù chưa có quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp dệt may, nhưng có một số khu công nghiệp được thành lập để thu hút các dự án công nghiệp dệt may, như Khu công nghiệp Rạng Đông và Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), Khu công nghiệp Bình An (Bình Dương)…

Các chuyên gia cho rằng, nếu hình thành được khu cụm công nghiệp riêng, sẽ chấm dứt tình trạng địa phương “né” dự án dệt nhuộm.

Thu Ngân