Diễn đàn “Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản – Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Quỹ quốc tế Toshiba, Trường Chính sách công – Đại học Tổng hợp Tokyo vừa được tổ chức hôm nay, 22/11.

{keywords}
Khai mạc Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 tại Hà Nội. 

Theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản được bắt đầu vào năm 2011, với mục đích phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp mà Việt Nam có tiềm năng và các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Trong đó, ưu tiên 6 ngành chế biến nông thủy sản; máy nông nghiệp; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; điện tử; đóng tàu.

Đến năm 2015, tất cả các Kế hoạch hành động để phát triển 6 ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Tuy nhiên, đến năm 2017, có ít nỗ lực để thực hiện các Kế hoạch hành động. Và đến năm 2018 thì các nỗ lực ấy được nối lại khi cả hai bên thúc đẩy đổi mới hợp tác công nghiệp”

Cụ thể, trong hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, nội dung quan trọng chính là thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Điều này được thông qua trong việc phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam như cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Một số công nghệ được chuyển giao là công nghệ tiên tiến và rất phù hợp với nhu cầu sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam như công nghệ CAS, vắc- xin, hệ thống vi cơ điện tử…

Tuy nhiên, giá trị gia tăng do Nhật Bản đóng góp trong xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chậm được cải tiến. Đặc biệt, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cho Việt Nam còn khiêm tốn so với kỳ vọng do liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước và DN Nhật Bản vẫn còn yếu.

Minh chứng là sự hiện diện của các DN Nhật Bản tại Việt Nam như Toyota, Canon, Toshiba, Panasonic… khá lâu, cũng đã phát triển hệ thống nhà cung cấp, nhưng hầu hết các DN Việt Nam đều không biết. Trong khi đó, Samsung – DN Hàn Quốc - tham gia vào thị trường Việt Nam sau, nhưng họ lại xây dựng mạng lưới hệ thống nhà cung cấp có sự tham gia rất nhiều của DN Việt Nam.

“Điều này đòi hỏi phải có tổ chức Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với DN Nhật Bản để quảng bá, truyền thông cho những hoạt động này nhiều hơn nữa” – bà Nguyễn Thị Xuân Thúy Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) đề nghị.

Tâm Anh