Bộc lộ rõ sự phụ thuộc đầu vào

Theo Cục Công nghiệp, việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài.

Khi không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp. Trên thực tế, việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất từ Trung Quốc là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây. Khi phụ thuộc bên ngoài, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp càng dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

Số liệu của OECD cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.

{keywords}
Dệt may phụ thuộc 50% đầu vào từ nước ngoài (ảnh: Thu Ngân)

Đơn cử như 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37. Ngược lại, trong một số nước ASEAN, giá trị gia tăng trong thương mại đang thay đổi theo chiều hướng ngược lại.

Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Công nghiệp hỗ trợ: Nền tảng của tự chủ sản xuất

Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước để khắc phục các điểm yếu.

Cụ thể như, ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải nhận được sự quan tâm và đầu tư xứng đáng từ nguồn lực ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương. Chính quyền địa phương cần tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.

Chính phủ cần xem xét tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam có thế mạnh là hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, ứng phó tốt với các sự kiện bất khả kháng lớn như thiên tai, dịch bệnh... đồng thời môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải cách, sẽ là điểm đến thích hợp cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung cũng như dịch bệnh tại Trung Quốc.

Ngoài ra, cần quy định rõ về các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong quá trình sửa đổi pháp luật đầu tư làm căn cứ để Chính phủ ban hành các Nghị định quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các ngành này.

Trước đây, các chuyên gia đã từng đề xuất cần có Luật riêng về Công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, văn bản pháp lý cao nhất chỉ có Nghị định 115 về phát triển công nghiệp hỗ trợ và hiện nay, Nghị định cũng đang cần bổ sung, sửa đổi sau 5 năm thực hiện. Trong khi đó, việc xây dựng Nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn dừng lại ở giai đoạn dự thảo mà chưa được thông qua và ban hành chính thức.

Băng Dương

Chuyên gia Hàn Quốc tư vấn cải tiến sản xuất gặp khó vì dịch bệnh

Chuyên gia Hàn Quốc tư vấn cải tiến sản xuất gặp khó vì dịch bệnh

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp, các chuyên gia người Hàn Quốc trong lĩnh vực tư vấn cải tiến, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp không thể tiếp cận doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.