Trong tham luận gửi tới Hội thảo về phát triển cơ khí mới đây, Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TCG) đánh giá, trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, ngành cơ khí chế tạo có một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế và là tiền đề cho các ngành công nghiệp khác, bao gồm cả những ngành công nghiệp mũi nhọn như sản xuất lắp ráp ô tô phát triển.

Ngành cơ khí chế tạo trực tiếp tạo ra tất cả các sản phẩm như dụng cụ, công cụ, đồ gá, thiết bị máy móc cũng như tạo nên các linh kiện nội địa hóa qua các công đoạn gia công cơ khí để phục vụ cho việc sản xuất lắp ráp một chiếc ô tô hoàn chỉnh.


“Có thể nói không có cơ khí chế tạo thì không có các sản phẩm công nghệ cao và ngành sản xuất lắp ráp ô tô cũng không thể phát triển được như hiện nay”, TCG nhấn mạnh.
Đơn vị này nhận định, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ thực sự trở mình phát triển sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vào năm 2014.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các văn bản hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong đó phải kể đến 02 văn bản được Chính phủ ban hành trong năm 2017 là Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP.
Cả 2 văn bản này đã tạo động lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thoát khỏi sức ép vô cùng lớn do việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho tất cả các chủng loại xe ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam từ ngày 1/1/2018.

{keywords}
Sản xuất ô tô tại nhà máy của Hyundai Thành Công

Kết quả của các chính sách này là doanh số toàn thị trường đã có những sự tăng trưởng vượt bậc (từ doanh số 119,498 xe vào năm 2013 đến 343,974 xe vào năm 2018, tăng trưởng xấp xỉ 190%) và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam bước vào giai đoạn ô tô hóa.
Tuy nhiên, để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành sản xuất lắp ráp ô tô nói chung thì công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng cần được quan tâm chú trọng. Đặc biệt đặt trong bối cảnh ngành CNHT Việt Nam hiện nay đang dừng ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong và ngoài nước cũng như cần một sự cải tiến mạnh mẽ để đạt được mục tiêu như trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo đó, TCG đã đề xuất 6 giải pháp chính sách cần thiết và có tác dụng trực tiếp đến các ngành CNHT.
Cụ thể, gỉai pháp thứ nhất là không tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước. TCG phân tích, chính sách này có tác dụng thúc đẩy các nhà đầu tư sản xuất linh kiện và các sản phẩm cơ khí phục vụ cho việc sản xuất lắp ráp ô tô có cơ sở để đẩy mạnh quy mô sản xuất, kết nối mạnh mẽ với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, từ đó tạo ra chuỗi giá trị liên kết trong ngành, nâng cao sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa. Nội dung chính sách này cũng đã được đưa vào văn bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP đang được Bộ Tài Chính soạn thảo và cần nhanh chóng được ban hành để các ngành CNHT ô tô tận dụng tốt thời cơ thuận lợi khi nhu cầu thị trường ngày một tăng cao.
Giải pháp thứ 2 là điều chỉnh thuế TTĐB cho phần giá trị nội địa hóa ô tô để hưởng ưu đãi theo hàm lượng giá trị tạo ra trong nước và giá trị linh kiện nội địa hóa. Mục đích chính của chính sách này là giúp tạo động lực cho các nhà sản xuất ô tô trong nước tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và đầu tư vào nghiên cứu sản xuất sản phẩm cơ khí ô tô thay vì chỉ sản xuất với sản lượng lớn, trong tương lai dài có thể tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao phục vụ cho mục đích xuất khẩu.
Giải pháp thứ 2 là áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Theo TCG, tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã có những đề xuất nhiều giải pháp về chính sách và phát triển thị trường cho công nghiệp hỗ trợ, trong đó việc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp CNHT là rất cần thiết và sẽ mang lại nhiều giá trị nâng cao cho sản xuất trong nước. Thủ tướng Chính Phủ cũng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp CNHT. TCG hi vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô nhận được những hỗ trợ kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giải pháp thứ 3 là đưa sản phẩm ô tô vào danh mục “Sản phẩm công nghệ cao” được khuyến khích phát triển theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg. Ô tô là một trong những sản phẩm có giá trị cao, được cấu thành từ rất nhiều hệ thống, linh kiện, cụm linh kiện, chi tiết phức tạp, có hàm lượng công nghệ cao; tiềm năng xuất khẩu lớn, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội lớn. Chính vì vậy, hoàn toàn phù hợp với các điều kiện về sản phẩm cao nêu tại Luật Công nghệ cao.
Giải pháp thứ 4 là Quỹ phát triển & hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về cơ khí chế tạo cần có tính áp dụng thực tiễn cao cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo, trung tâm R&D của doanh nghiệp để hỗ trợ vốn và hoạt động khi các doanh nghiệp muốn nghiên cứu phát triển về đổi mới công nghệ và hiện đại hóa quy trình chế tạo.
Giải pháp thứ 5 là ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí. Cụ thể, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học và công nghệ để hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.
Tập đoàn Thành Công hiện là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 2 ở Việt Nam với thị phần chỉ sau Thaco. Đây là đơn vị điển hình đã chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp sản xuất ô tô trong nước bất chấp thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN về 0%.


Băng Dương