“Trải thảm đỏ” cho doanh nghiệp CNHT

Sáng 22/9, tổ hợp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Hưng được động thổ xây dựng với tổng diện tích 340 ha. Tổ hợp có trên vị trí chiến lược trong khu công nghiệp Việt Hưng (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế.

Đây là kết quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tập đoàn Thành Công trong việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho lắp ráp ô tô, nâng tỷ lệ nội địa hoá của xe hơi sản xuất trong nước. Trong thời gian tới, tổ hợp sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.

{keywords}
Khu công nghiệp Việt Hưng nằm tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Đáng chú ý, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng cho tổ hợp công nghiệp hỗ trợ ô tô Thành Công chỉ được tỉnh Quảng Ninh cấp trong thời gian chưa đầy 24h. Điều này thể hiện rõ năng lực của một tỉnh 3 năm liền đứng đầu toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tổ hợp này là một trong những điểm nhấn quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, cụ thể hoá những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ của địa phương. Đồng thời thể hiện tầm nhìn về một ngành CNHT lớn mạnh trong tương lai gần.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện khu vực phía Bắc giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh định hướng tập trung phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, tăng tỷ trọng của ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao, thông minh...

Theo đại diện tập đoàn Thành Công, việc lựa chọn Quảng Ninh là nơi đầu tư đã được tập đoàn tính toán kỹ lưỡng dựa trên các điều kiện về tự nhiên, KT-XH, vị trí thuận lợi và nhất là dựa vào năng lực điều hành, chỉ đạo và chính sách hỗ trợ của địa phương.

Tham gia sâu vào chuổi sản xuất toàn cầu

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, kế hoạch phát triển CNHT của địa phương ban hành dựa trên tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trong phát triển CNHT của tỉnh và mục tiêu chương trình phát triển CNHT của Chính phủ tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/2/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT đến năm 2025; Theo đó, tỉnh Quảng Ninh xác định, mục tiêu phát triển CNHT giai đoạn 2019-2025 tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu là CNHT cho ngành dệt may và cơ khí chế tạo.

Đối với ngành dệt may, địa phương tập trung phát triển các sản phẩm CNHT phục vụ nhu cầu nguyên vật liệu và phụ liệu, đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh; phát triển Khu CNHT dệt may tỉnh Quảng Ninh (trên cơ sở khu công nghiệp Texhong Hải Hà) thành Trung tâm CNHT dệt may khu vực phía Bắc.

{keywords}
CNHT ngành cơ khí chế tạo và dệt may được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên phát triển đến năm 2025.

Với CNHT trong ngành cơ khí, chế tạo, địa phương tập trung nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm ngành đúc, gia công kim loại, khuôn mẫu, nhiệt luyện, luyện kim… đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư hình thành Khu CNHT chuyên sản xuất, chế tạo ra những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, CNHT có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường như sản xuất ô tô, điện tử;

Các lĩnh vực hỗ trợ công nghiệp đóng tàu, gồm: Công nghiệp chế tạo động cơ, xích neo; thiết bị bơm; công nghiệp sản xuất hộp số và hệ thống truyền động tàu thủy; chế tạo thiết bị nội thất phương tiện vận tải; công nghiệp sản xuất cấu kiện thép và dây điện; công nghiệp sản xuất cấu kiện phi tiêu chuẩn, sản xuất các sản phẩm cơ khí điện máy, cáp điện…

Đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài mạnh hơn nữa vào CNHT.

Quảng Ninh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất trong tỉnh tiến tới xuất khẩu ra nhiều nước, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoàng Hiệp