Chia sẻ với báo VietNamNet, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương có góc nhìn lạc quan về bức tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong đại dịch Covid-19.

PV: Năm nay là một năm rất là đặc biệt khi mà dịch Covid bùng nổ và đến thời điểm này thì dịch bệnh vẫn đang còn những diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết, từ đầu năm đến này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng ra sao?

{keywords}
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh: Cơ hội hoàn thiện chuỗi sản xuất


Ông Phạm Tuấn Anh:
Không phải là riêng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mà gần như tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua. Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng được biết chuỗi cung ứng của chúng ta bị đứt gãy do chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thế nhưng cũng qua đợt đại dịch, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng các doanh nghiệp công nghiệp của ta có một sức sống rất mãnh liệt và có thể là trong mọi hoàn cảnh, các doanh nghiệp cũng luôn tìm ra hướng đi để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

PV: Trong các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ của mình trong đợt khủng hoảng đại dịch, nhóm ngành nào bị tổn thất nhiều nhất? Và các doanh nghiệp đã tự hồi phục như thế nào?

Ông Phạm Tuấn Anh: Trong các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ thì dệt may cũng là một ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do chúng ta vừa phải nhập nguyên phụ liệu và gia công, xong lại xuất khẩu đi và chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn hàng từ Châu Âu hoặc Mỹ chẳng hạn. Chúng ta cũng bị hủy đơn hàng do nguyên liệu đầu vào chúng ta đang không có, do các doanh nghiệp của Trung quốc dừng sản xuất trong đợt đầu năm 2020.

Lĩnh vực điện tử ổn hơn một chút do có Samsung là Tập đoàn đã đặt cứ điểm ở đây, nhưng cũng gặp một số khó khăn do linh kiện vẫn nhập khẩu từ nước ngoài và nói chung là hầu như tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng.

Ngành công nghiệp hỗ trợ bị ảnh hưởng do chúng ta là gần như chỉ là một trung gian như sản xuất các linh kiện trung gian để xuất khẩu ra nước ngoài. Khi các thị trường lớn thế giới bị chậm lại thì đương nhiên chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng theo.

PV: Khi thị trường thế giới chậm lại, các nhà sản xuất dừng lại, chúng ta liệu có cơ hội nào để các nhà mua hàng tăng mua nguồn trong nước không?

{keywords}
Dệt may chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch

Ông Phạm Tuấn Anh: Covid- 19 vừa gây ra khó khăn nhưng vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của chúng ta. Đây là cơ hội để doanh nghiệp phải tự hoàn thiện lại bản thân mình và nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, nó cũng là một việc khó khăn do nguồn cung nước ngoài không có nên các đơn vị sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh cũng sẽ tận dụng được những thị trường hiện nay tại việt nam. Đây cũng là một thế mạnh mà chúng ta cần phải phát huy trong thời gian tới.

PV: Các nhà mua hàng của các Tập đoàn đa quốc gia luôn nói rằng họ đã cố gắng hết sức để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện các tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông đánh giá ra sao về vai trò của họ trong vấn đề này?

Ông Phạm Tuấn Anh: Các nhà mua hàng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trung gian, họ không thể bán được cho ai khác ngoài những nhà mua hàng mà nó là sản xuất theo chuỗi. Vai trò của các nhà mua hàng rất quan trọng bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cho doanh nghiệp. Nếu mà người mua hàng không có sự chung tay vào đây thì thực sự kết quả sẽ chưa được như mong muốn của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đề ra.

PV: Ông có đánh giá và kì vọng như thế nào về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam trong thời gian sắp tới?

Ông Phạm Tuấn Anh: Tôi rất tin tưởng rằng với tất cả những chính sách của Chính phủ đang ban hành và trong thời gian sắp tới sẽ được ban hành. Với sự nỗ lực của các Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì chắc chắn bộ mặt của các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt nam sẽ có sự thay đổi và doanh nghiệp của Việt nam càng ngày cũng sẽ tham gia được sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)