Mục tiêu của Bộ Công Thương trong Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp.

Và, đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. 

{keywords}
Đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực trạng chung của ngành CNHT Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của DN còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Bộ Công thương đang có nhiều động thái tích cực cho mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đơn cử:

Được sự đồng ý của Chính phủ, một số ngành công nghiệp chủ lực đã được Bộ xác định rất rõ, đó là điện tử, ôtô, dệt may, da giày, năng lượng... Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có những dung lượng thị trường.

Đáng chú ý, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, với hy vọng sắp tới, Việt Nam có điều kiện hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ CNHT, trước mắt tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

Những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ CNHT này không chỉ tập trung giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho DN thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ nói chung, mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển R&D (nghiên cứu và phát triển). Những trung tâm này sẽ đóng góp vào sự phát triển về giá trị gia tăng cho ngành CNHT.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng, linh kiện; trong đó, chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số DN đang hoạt động trong CNHT hiện chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.

Trúc Linh