Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kết quả sản xuất kinh doanh của ngành dệt may đã có những con số khả quan dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 4,25% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với sự tăng trưởng ổn định và liên tục trong những tháng vừa qua cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã trở lại so với thời điểm trước dịch và còn tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19. 

{keywords}
Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may ước đạt 19,18 tỷ USD

Bên cạnh đó, cơ cấu chủng loại hàng may mặc của Việt Nam đã dịch chuyển khá rõ, tập trung xuất khẩu các mặt hàng thông thường, tính tiện dụng cao như quần, quần áo trẻ em, đồ lót, quần short… và giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như áo Jacket, quần áo Vest…

Khả năng cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam được nâng cao, thị phần hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới tăng.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, khả năng cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam không ngừng được nâng cao, khi xuất khẩu hàng may mặc của toàn thị trường thế giới giảm bình quân 0,26%/năm thì xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vẫn tăng trưởng bình quân 6,13%/năm trong giai đoạn này. 

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc giảm bình quân 4,11%/năm, Ấn Độ giảm 7,12%/năm, Indonesia giảm 0,39%/ năm… và xuất khẩu của các thị trường cạnh tranh khác như Thổ Nhĩ Kỳ tăng bình quân 0,45%/năm, Bangladesh tăng 2,47%…

Nhờ khả năng cạnh tranh của sản phẩm may mặc Việt Nam không ngừng được nâng lên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới không ngừng được tăng cao và tăng bền vững trong giai đoạn 2016 – 2020.

Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 4 trên thị trường thế giới sau Trung Quốc, EU và Bangladesh với tỷ trọng xuất khẩu đạt 7,05% vào năm 2020, tăng cao so với 5,54% của năm 2016. Trong khi đó, thị phần hàng may mặc của Trung Quốc liên tục bị thu hẹp từ 34,31% của năm 2016 xuống còn 29,45% trong năm 2020. 

Thu Ngân

6 tháng đầu năm ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tăng 11,42%

6 tháng đầu năm ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tăng 11,42%

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: thép cán, ô tô, linh kiện điện thoại, điện thoại di động, phân hỗn hợp NPK, sữa bột, vải dệt từ sợi nhân tạo.