Xác định CNHT đóng vai trò quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã sớm có những chính sách ưu tiên phát triển CNHT và xác định CNHT là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương.

Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển công nghiệp theo hướng chú trọng hỗ trợ các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp năng lượng (điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện tích năng), cảng biển, đóng tàu, cơ khí chế tạo phục vụ cho công nghiệp và nông nghiệp nông thôn.

{keywords}
Ninh Thuận tạo điều kiện tối đa cho các doanh ngành nghiệp công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh: Báo Ninh Thuận)

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 62/2018/QĐ-UBND quy định về hình thức và mức hỗ trợ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025. Đây có thể coi là động thái “trải thảm đỏ” hỗ trợ tối đa, mở toang cánh cửa giúp các doanh nghiệp ngành CNHT địa phương này phát triển.
Các doanh nghiệp khi đầu tư vào các nhóm ngành sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên được tỉnh xem xét hỗ trợ về kinh phí theo tiến độ dự án. Sau khi khởi công dự án, nhà đầu tư được tạm ứng 30% mức kinh phí hỗ trợ và được thanh toán tiếp 40% mức kinh phí hỗ trợ theo tiến độ thực hiện hạng mục dự án. Sau khi dự án đã hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu, thực hiện giải ngân 30% mức kinh phí hỗ trợ còn lại.

Đáng chú ý, doanh nghiệp nước ngoài khi xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực CNHT sẽ được tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ chi khảo sát, đánh giá nhu cầu; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm CNHT gồm: Chi công lao động thuê ngoài đối với các cán bộ, chuyên gia trực tiếp; thuê chuyên gia tư vấn; mua vật tư, nguyên, nhiên vật liệu, tiêu chuẩn, quy trình, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ; hội thảo; dịch tài liệu; công tác khảo sát. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào CNHT tối đa là 50 triệu đồng/doanh nghiệp.

Trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu, hoạt động giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hỗ trợ 100% nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/chương trình.

Hỗ trợ việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến thay thế công nghệ nhập khẩu sản xuất CNHT, bao gồm các chi phí: mua máy móc thiết bị, hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, tài liệu về quy trình sản xuất, hỗ trợ 50% nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp,…

Để nhận được kinh phí hỗ trợ từ tỉnh, các doanh nghiệp phải có văn bản cam kết nếu không thực hiện dự án theo đúng mục đích, tiến độ sẽ hoàn trả kinh phí hỗ trợ đã được nhận. Mức hỗ trợ này được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt và giao hằng năm trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương.

Ngoài hỗ trợ bằng kinh phí, tỉnh Ninh Thuận cũng đã triển khai hàng loạt giải pháp, chương trình kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Từ những quy định về hình thức và mức hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có từ hơn 1 năm nay, UBND tỉnh liên tục đôn đốc triển khai, gắn vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp trực tiếp tham gia.

Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định này; xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt chương trình, kế hoạch hàng năm về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo quy định.

Đồng thời, Sở Công Thương Ninh Thuận là đơn vị chủ trì, đề xuất tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định đề án Chương trình phát triển CNHT; tiếp nhận, xem xét nội dung đề án đăng ký hỗ trợ; tham mưu tổ chức họp Hội đồng thẩm định để thẩm định các đề án có mức hỗ trợ từ 200 triệu đồng trở lên hoặc tham mưu lấy ý kiến Hội đồng thẩm định đối với các đề án hỗ trợ còn lại.

Sở Công Thương cũng có vai trò chủ trì và phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp và đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng xây dựng đề án; thẩm định đề án hỗ trợ, lập báo cáo thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định; triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ theo quy định đối với các doanh nghiệp được hỗ trợ sau khi có quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh; định kỳ 6 tháng tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh.

Cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2025, CNHT cũng được định hướng gắn với những thế mạnh của địa phương như: Năng lượng, cảng biển, cơ khí chế tạo, đóng tàu, nông nghiệp sạch,… Với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong ngành CNHT nói riêng của tỉnh Ninh Thuận, nhiều chuyên gia nhận định, ngành CNHT của tỉnh Ninh Thuận sẽ có những bước phát triển trong vài năm tới, là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoàng Hiệp