Đã quan tâm nhưng vẫn chưa phát triển như kỳ vọng

Sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây liên tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Các sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng khá so là: Xe ô tô 5-14 chỗ đạt 6.220 chiếc, tăng 15,4%; modul camera đạt 15,1 triệu cái, tăng 64,1%; linh kiện điện tử đạt 24 triệu cái, tăng 34,1%; kính xây dựng đạt 40 nghìn tấn, tăng 73,2%; cần gạt nước ô tô đạt 689 nghìn cái, tăng 50,8%; thép xây dựng đạt 24,5 nghìn tấn, tăng 16,1%; giày, dép các loại đạt 3.910,2 nghìn đôi, tăng 85,8%; dứa đóng hộp đạt 791 tấn, gấp 2,1 lần...

Số liệu đó cho thấy, sự gia tăng giá trị của ngành sản xuất công nghiệp có những đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp hỗ trợ.

{keywords}
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Gián Khẩu. Ảnh: Đức Lam

Ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Chương trình phát triển CNHT tỉnh Ninh Bình đến năm 2025 và về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực CNHT”.

Sự phát triển CNHT đã mang lại vẻ tươi mới cho bức tranh kinh tế tổng thể của Ninh Bình.

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 doanh nghiệp đầu tư dự án và đi vào hoạt động đó là Công ty TNHH Mcnex Vina tại Khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn với công suất từ 100-150 triệu sản phẩm camera modul và linh kiện điện tử khác/năm; Công ty TNHH Beauty Surplus Intl Việt Nam tại KCN Khánh Phú, sản xuất thiết bị quang học, công suất 7,2 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Electronics Việt Nam; Công ty TNHH YG Vina tại KCN Gián Khẩu sản xuất dây tai nghe điện thoại; Công ty TNHH Sanico Việt Nam sản xuất bản dẫn vi mạch; Công ty TNHH Goryo Việt Nam tại Cụm Công nghiệp (CCN) Gia Vân sản xuất núm tai nghe điện thoại.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, toàn tỉnh có 9 dự án. Một số dự án lớn như: Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21 tại KCN Khánh Phú, Công ty cổ phần Sejung sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm tại CCN Cầu Yên...

Ngành công nghiệp hỗ trợ may mặc đã có một dự án nhà máy sợi của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Lam Giang tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình với sản phẩm sợi cọc, công suất 12.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 530 tỷ đồng. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, dự kiến sản lượng đạt 5.500 tấn.

Ngoài các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ chính, trên địa bàn tỉnh còn một số doanh nghiệp có hoạt động công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các vật tư, linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho hoạt động sản xuất của một số ngành như: Công ty TNHH giày Athena Việt Nam sản xuất đế giày, mũ giày cung cấp cho một số doanh nghiệp trong nước; Công ty TNHH Đổi Mới, Quang Minh sản xuất khung sắt sơn tĩnh điện phục vụ hàng thủ công mỹ nghệ; Công ty TNHH MTV Cơ khí Đại Phú, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Nam... sản xuất vật liệu xây dựng bi, con lăn, máy nghiền, băng tải phục vụ cho sản xuất xi măng...

Đánh giá xác đáng về vai trò ngày càng tăng của ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh đã có những đánh giá rất xác đáng về vai trò ngày càng tăng của ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đang là một động lực và trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ công nghệ, về quy mô.

{keywords}
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu - Gia Viễn)

Hiện tại, Ninh Bình đang tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển CNHT cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, dệt may và linh kiện điện tử. Ninh Bình cũng đã đưa ra định hướng rõ ràng nhằm triển CNHT trong thời gian tới.

Cùng với đó, Ninh Bình đang khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Tỉnh sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của địa phương tham gia vào các chuỗi cung ứng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực và xem đây là nguồn lực cơ bản để thúc đẩy cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như cung ứng nhân lực cho các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp FDI", Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình cho hay.

Minh Đức