Công nghiệp hỗ trợ (CNHT ) là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công nghiệp hỗ trợ có vai trò quyết định đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố an ninh quốc phòng; là nền tảng để các ngành công nghiệp chính phát triển nhanh, bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài. Phát triển CNHT góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp, giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, cho đến nay, CNHT của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước phân tích sâu về các khó khăn, thách thức đối với CNHT trong tiếp cận vốn cho thấy có tới 4 rào cản.

{keywords}
CNHT cần vốn lớn
{keywords}
Năng lực sản xuất CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế

Thứ nhất, vấn đề vốn đầu tư cho phát triển CNHT rất lớn; ví dụ như chi phí đầu tư cho công nghiệp dệt, nhuộm, hồ vải thường lớn gấp 6-7 lần so với chi phí đầu tư cho công nghiệp may mặc có cùng quy mô; sản xuất sản phẩm da đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn từ 8-10 lần so với công nghiệp may giày, dép, túi xách… Trong khi đó, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế, nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa đủ sức hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam có tới 40 quỹ tài chính nhà nước đã được thành lập để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm cả doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên việc tiếp cận vay vốn từ các Quỹ đang rất vướng đối với doanh nghiệp.

Theo Nghị định/Quyết định của Chính phủ về việc hình thành Quỹ tài chính nhà nước đều được khẳng định rõ, Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc hoặc các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo quy định quản lý và cách hiểu còn khác nhau nên hầu hết các Quỹ (nhất là ở các bộ, ngành đang quản lý) đều chỉ được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước. Hệ thống Kho bạc nhà nước không thực hiện chức năng cho vay theo hình thức tín dụng, nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho Quỹ để thực hiện hỗ trợ theo hình thức vay (Kể cả có lãi hoặc không lãi) cần phải được hiểu là đã được chuyển từ nguồn ngân sách sang hình thức hoạt động tín dụng, theo đó phải được thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng.

Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý nhà nước dù rất muốn nhưng không thể vận hành được và các doanh nghiệp cũng không thể đủ điều kiện để vay (về bản chất hai loại thủ tục hồ sơ vì thực hiện theo hai Luật nên đang khác nhau).

Về hồ sơ, do việc hình thành các Quỹ theo các mục tiêu khác nhau nên mỗi Quỹ đều có Điều lệ quy định riêng, theo đó Thông tư về quản lý (cả nội dung và tài chính) cũng được ban hành riêng kèm theo các mẫu biểu hướng dẫn theo yêu cầu của từng loại hình (Có sự khác nhau do quy định của Luật ngân sách và Luật các tổ chức tín dụng).

Điều này dẫn đến các doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận để diễn dải nội dung chi tiết, phụ thuộc khá nhiều về cơ quan quản lý dẫn đến việc xem xét, giải quyết các thủ tục hồ sơ bị kéo dài (nhiều khi mất cơ hội đầu tư) dẫn đến doanh nghiệp không còn mặn mà với các chính sách ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp lại rất lớn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó thu xếp được nguồn vốn thương mại cho dự án CNHT, do lãi suất ở ngân hàng quá cao khiến cho dự án không khả thi về lâu dài.

Thứ hai là khả năng cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp còn thấp. Sản phẩm CNHT Việt Nam có giá thành cao, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật. Ví dụ như tỉnh Quảng Nam hiện có đến 82 doanh nghiệp may công nghiệp, thu hút hơn 21 nghìn lao động, nhưng các doanh nghiệp may của tỉnh phải nhập khẩu 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài trong khi tỉnh lại nổi tiếng với các làng nghề truyền thống ươm tơ dệt vải, toàn tỉnh có 1.600 cơ sở ươm tơ, dệt vải nhưng lại có đến 95% sản lượng vải sản xuất ra không thể cung cấp cho ngành may do chất lượng không ổn định và giá thành cao…

Thứ ba, về bản thân các doanh nghiệp CNHT còn nhiều yếu kém, thể hiện qua năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, khó đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật cao và yêu cầu hợp tác kinh doanh của nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam; tính liên kết giữa các doanh nghiệp thấp, rất ít doanh nghiệp tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác, bạn hàng; các nhà quản trị chưa quan tâm đến tạo dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT.

Các doanh nghiệp thiếu thông tin về các nhà sản xuất có khả năng cung cấp nguyên vật liệu phụ trợ, không biết nơi nào cần sản phẩm của họ; còn các doanh nghiệp có nhu cầu lại không tìm được nhà cung cấp.

Thứ tư, vấn đề công nghệ, ngành CNHT liên quan đến sản xuất linh kiện, phụ tùng đòi hỏi nguyên, vật liệu, nhất là vật liệu mới, như: thép chế tạo, chất dẻo, vật liệu bán dẫn… Để phát triển công nghiệp vật liệu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện nội dung nghiên cứu khoa học rất lớn và có nhiều rủi ro, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa thể có điều kiện để thực hiện những công việc nêu trên. Với tiềm năng về tài nguyên của Việt Nam, nguồn nguyên liệu thô khá dồi dào, vấn đề là chưa tạo ra được nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT cần, cho nên phải nhập, kéo theo đó giá thành sản xuất các sản phẩm CNHT này khó có thể cạnh tranh với những nhà sản xuất nước ngoài.

Vì không có nguyên liệu đầu vào nên các doanh nghiệp CNHT nước ta, ngoài đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện, phải nhập hầu hết nguyên liệu từ nước ngoài, do đó lợi nhuận doanh nghiệp đôi khi chỉ còn lại giá trị gia công…

Để khắc phục các hạn chế này, hiện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó nổi lên là giải pháp cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp.

Băng Dương