Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, phần linh liện, vật tư hoặc nguyên liệu được nhập về để sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và thuộc loại chưa sản xuất được tại Việt Nam, sẽ hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Thời gian áp dụng, từ ngày 10/7/2020.{keywords}

Theo Nghị định mới, những nguyên liệu, vật tư và linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được tại Việt Nam sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Những linh kiện này bao gồm động cơ, hệ thống bôi trơn, làm mát, hệ thống nhiên liệu, khung vỏ, hệ thống treo, bánh xe, hệ thống lái, truyền lực, phanh, linh kiện điện tử, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu, xử lý khí thải, linh kiện nhựa, cao su, kính chắn gió, ghế, gạt mưa… Các thiết bị đơn giản như vít, bu-lông, ê-cu… không được ưu đãi thuế.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng giá xe ôtô lắp ráp trong nước thời gian tới sẽ giảm vì trước kia áp thuế linh kiện khiến giá xe lắp ráp trong nước cao không cạnh tranh được với xe xe nhập khẩu.

Về phía người tiêu dùng, anh Hoàng Nhật ở Long Biên, Hà Nội vui mừng nói: “chính sách này cùng với việc thuế trước bạ được giảm 50% nữa thì làn sóng xe sản xuất trong nước chuẩn bị giảm mạnh, lần này xe nhập không giảm giá là khó cạnh tranh, chúc mừng người tiêu dùng Việt Nam”.

Anh Trần Xuân Nghĩa, ở Hòa Bình cũng chia sẻ: “"Bỏ thuế nhập khẩu linh kiện là một việc nên làm. Từ trước đến nay, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc trong ASEAN hưởng thuế nhập khẩu 0% trong khi các công ty lắp ráp trong nước lại bị đánh thuế linh kiện thì quá bất công”.

“Vậy là xe lắp ráp trong nước chỉ còn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, trước bạ. Tôi tin giá xe sẽ giảm trong tháng 7 tới. Mong ước sở hữu một chiếc Vinfast SA 2.0 có lẽ sắp thành hiện thực", anh Nghĩa vui vẻ nói thêm.

Tại Diễn đàn về công nghiệp ô tô Việt Nam vừa được tổ chức cuối tháng 11 năm ngoái, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc của Thaco - Trường Hải cũng cho biết nếu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% thì chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và giúp giá xe giảm đi đáng kể. 

Chính sách này về cơ bản sẽ có lợi cho các doanh nghiệp lắp ráp dưới dạng linh kiện rời (IKD) như Vinfast, Toyota, Kia, Madza. Riêng các doanh nghiệp lắp ráp dưới dạng cụm linh kiện (CKD) như Mercedes-Benz, Hyundai... thì không bị tác động.  

Tuy nhiên theo các chuyên gia, về lý thuyết, thuế nhập khẩu những linh kiện chính về 0% giúp toàn bộ linh kiện giảm 7-9% thuế, từ đó xe giảm giá khoảng 5%. Nhưng trên thực tế việc giảm giá hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Thứ nhất là phụ thuộc vào quy mô sản xuất lắp ráp, đồng thời doanh số bán ra. Nếu doanh số bán thấp, do giá cao hoặc khó cạnh tranh, dù cho doanh nghiệp có sản xuất đúng, đủ sản lượng cũng khó có thể giảm giá như kỳ vọng được.

Bên cạnh đó, nguyên vật liệu, nhân công mỗi năm một cao. Xe mới càng về sau càng trang bị nhiều option hơn. Các hãng sẽ tính toán các lợi ích khác cùng mức giảm này để đưa ra giá mới.

Đánh giá về vấn đề này, Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Chính sách VAMA cho biết thông tin này không có gì mới vì từ năm 2017 đã đề ra, nó chỉ sửa một phần rất nhỏ của nghị định 125 đã có hiệu lực từ tháng 11/2017 cho nên nó không hề mới và chưa nói lên được điều gì cho số phận thị trường ô tô lắp ráp trong nước trong thời gian tới.

Theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.

Doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải đáp ứng các điều kiện:

1- Có hợp đồng mua bán sản phẩm CNHT ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp;

2- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nêu rõ mục tiêu dự án hoặc ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác;

3- Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) và máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) trên lãnh thổ Việt Nam.

Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.

Ngoài ra, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu cũng phải đáp ứng các điều kiện:

1- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu (bao gồm cả nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã nhập khẩu kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực còn tồn kho tại các kỳ ưu đãi trước chuyển sang để sản xuất, gia công (lắp ráp) sản phẩm CNHT ô tô tại các kỳ ưu đãi sau; không bao gồm nguyên liệu, vật tư, linh kiện đưa vào sử dụng nhưng bị hỏng, bị lỗi) để sản xuất, gia công (lắp ráp) sản phẩm CNHT ô tô. Trường hợp sản phẩm chỉ được lắp ráp đơn thuần với nhau bằng những thiết bị đơn giản như vít, bu-lông, ê-cu, bằng đinh tán và không trải qua quá trình sản xuất, gia công nào để thành sản phẩm hoàn thiện thì không được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô;

2- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được do doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này trực tiếp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu. Việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được căn cứ theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Doanh nghiệp đáp ứng các quy định trên và quy định tại Nghị định này thì được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công (lắp ráp) sản phẩm CNHT ô tô trong kỳ xét ưu đãi.

Kỳ xét ưu đãi thuế tối đa không quá 6 tháng tính từ 1/1 đến 30/6 hoặc từ ngày 1/7 đến 31/12 hàng năm.


Khánh Vy