Dịch Covid-19 bùng mạnh lần thứ 4 tại Việt Nam đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, bị huỷ đơn hàng. Chuỗi cung ứng sản xuất cũng bị đứt gãy do các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Tại nhiều khu công nghiệp, sản xuất gián đoạn còn do lực lượng công nhân bị mắc Covid-19. Tình trạng này kéo dài sẽ còn dẫn hệ quả mất khách hàng trong tương lai.

Do đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất (doanh nghiệp ngành công nghiệp ở các lĩnh vực như ô tô, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ..) sẽ khó đạt kế hoạch đề ra.

{keywords}
Bắc Giang đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp bằng giải pháp quyết liệt

Lắng nghe ý kiến của 11 hiệp hội ngành hàng tại cuộc họp tìm cách tháo gỡ khó khăn hôm 22/7, Cục Công nghiệp đã đề xuất loạt giải pháp tổng thể, trong đó, có nhiều kiến nghị về giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Cục đề nghị, các địa phương xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng (như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ trước đây…)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp phía Nam – với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”. Trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, các địa phương cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.

Cùng đó, Cục Công nghiệp cũng đề nghị các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, giảm khó khăn trong đại dịch.

Năm 2020, Chính phủ cũng đã ban hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 với nhiều chính sách gia hạn nộp thuế, cho vay tín dụng để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc, giảm tiền điện, chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội…

Thu Ngân
 

Doanh nghiệp lo đứt gãy chuỗi sản xuất, đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin

Doanh nghiệp lo đứt gãy chuỗi sản xuất, đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin

Dịch Covid-19 bùng mạnh, nhiều doanh nghiệp công nghiệp gặp "khó chồng khó" gián đoạn chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hoá. 11 hiệp hội ngành hàng đã đề xuất cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động để duy trì sản xuất.