Đây là hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Sự kiện này được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác gia công, sản xuất, liên doanh, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự hội nghị chủ yếu là những doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng sản xuất, tìm đối tác gia công, đối tác hợp tác kỹ thuật để phát triển sản phẩm, đối tác liên doanh hoặc nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm và linh kiện trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như sản phẩm được xử lý thông qua hệ thống máy móc gia công cơ khí; các thiết bị, máy móc và phụ tùng nông nghiệp; khung, chân đế các loại; tấm lợp kim loại cho bảng gấp; lõi đồng; khuôn đúc, khuôn mẫu; linh kiện nhựa, sản phẩm từ công nghệ ép phồng; thiết bị nội thất ôtô...

{keywords}
Hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách ưu tiên của chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nói: “Hiện nay, hợp tác Việt-Nhật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu dừng lại ở việc các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện gia công sản phẩm theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản. Các sản phẩm gia công không đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật phức tạp. Do đối tác Nhật Bản thuê doanh nghiệp Việt Nam gia công sản phẩm để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và có tay nghề của Việt Nam nên giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra không được lớn như kỳ vọng.”

Ông Minh khuyến nghị các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần phải đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu và phát triển, đầu tư trang thiết bị hiện đại để có thể gia tăng hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của mình.

Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng gia công/xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn, từ đó có thể trở thành đối tác liên doanh/liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật… phù hợp với nhu cầu đặt hàng sản xuất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.

Sau phiên toàn thể, các doanh nghiệp hai nước sẽ có 6 phiên giao thương. Hy vọng doanh nghiệp hai bên có thể tạo ra những kết nối và hợp tác kinh doanh hiệu quả nhất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đức Minh