Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ đã xác định cần tháo gỡ nút thắt về nguồn nhân lực. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã chia sẻ với báo VietNamNet xung quanh vấn đề này.

PV: Trong bối cảnh chúng ta tiến tới Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số đòi hỏi kĩ năng mềm. Nhà trường có định hướng như thế nào để sinh viên tốt nghiệp là những nhân lực tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghiệp?

Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện HN: Chúng tôi mời doanh nghiệp vào cùng đào tạo
Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện HN: Chúng tôi mời doanh nghiệp vào cùng đào tạo

Ông Đồng Văn Ngọc:

Kinh nghiệm của chúng tôi, quan trọng nhất là DN phải cùng vào với nhà trường, cùng xây dựng ra chương trình đào tạo, xác định mục tiêu cho chương trình đào tạo, đối tượng đào tạo. Việc Nam thu hút nhiều FDI từ các quốc gia khác nhau vào. Ta thấy văn hóa DN Nhật khác, DN HQ khác, DN Châu Âu khác… Vì vậy, chúng tôi mời các DN vào, đặc biệt là các DN lớn, có hệ thống quản trị chuyên nghiệp để cùng xây dựng chương trình, giám sát đào tạo. Sinh viên được về các DN đó để học tập, trải nghiệm, học tập tác phong công nghiệp.

Đây là một mô hình hay và hiệu quả. Nếu các cơ sở đào tạo trong cả nước chúng ta đều làm được như thế thì tôi nghĩ đây là cách tiếp cận tốt nhất để đảm bảo việc quản trị chất lượng cho việc đào tạo nhân lực.

Rất nhiều người đã nhận xét rằng, một người VN có thể làm bằng nhiều người ở nước ngoài, nhưng nếu 2 – 3 người làm nhóm với nhau thì lại thua hơn nhiều. Thậm chí, có sự cạnh tranh ngay trong nội bộ, không có tinh thần hợp tác, xây dựng và chia sẻ. Vì vậy, người VN khi làm việc nhóm thì rất nhiều các chuyên gia nói rằng: Kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng phối hợp, kĩ năng chia sẻ thì rất hạn chế.

Tóm lại, kĩ năng mềm của các cơ sở đào tạo cần được chú trọng hơn. Tôi nhắc lại, không còn con đường nào khác, phải mời DN vào để cùng nhau, cùng trường, cùng cơ sở đào tạo để tạo ra nhân lực theo hướng chúng ta xác định.

PV: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có những mối quan hệ hợp tác rất tốt với DN. Theo ông, đâu là bí quyết để mình xây dựng được những mối liên kết đấy?

Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện HN: Chúng tôi mời doanh nghiệp vào cùng đào tạo
Sinh viên tại Trường CĐ Cơ điện HN

Ông Đồng Văn Ngọc:

Doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là DN vừa và nhỏ, rất ít DN lớn, ngang tầm thế giới. Những DN lớn, họ lại có những đào tạo nội bộ, tổ chức rất tốt. Chúng tôi cũng đang phối hợp với những DN lớn như vậy như Denso VN, Vinfast và công ty Trường Hải Thaco... Chúng tôi thiết kế đào tạo song hành, nhà trường và DN cùng đào tạo.

Với những DN vừa và nhỏ, để các trường đào tạo và cung cấp nhân lực thì quan trọng nhất, nhà trường ở VN phải được đầu tư bài bản, hiện đại để môi trường ở nhà trường như môi trường ở DN. Bởi DN vừa và nhỏ không thể tổ chức hoạt động đào tạo cho chính DN được, mà phải nhờ vào các trung tâm đào tạo hoặc cơ sở đào tạo chất lượng cao của nhà nước, như là các trường công lập.

Chúng ta cũng biết, công nghiệp hỗ trợ như lĩnh vực cơ khí, điện, cơ điện tử… Những lĩnh vực này, để đầu tư đào tạo cho 1 nghề như trường nghề chúng tôi thì trung bình chúng tôi phải đầu tư khoảng 40 tỷ đồng/nghề. Hiện nay, chúng tôi đào tạo 22 nghề, thì chúng ta biết là cái số tiền đầu tư rất lớn, tốn kém. Tư nhân rất khó đầu tư.

Thứ hai, các DN vừa và nhỏ cũng rất khó tổ chức và thiết kế hoạt động này. Để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ VN và nhân lực đáp ứng cho lĩnh lực này thì Nhà nước, cụ thể là Chính phủ vẫn tiếp tục phải đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các mảng về phát triển công nghiệp hỗ trợ này. Trong đó, nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, sống còn cho sự phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ.

VN dọn tổ để đón đại bàng thì chúng ta phải chuẩn bị nhân lực trước để giảm thiểu việc phải nhập khẩu các chuyên gia từ nước ngoài về. Những lĩnh vực, những chuyên gia hay kĩ thuật viên làm việc trực tiếp ở mảng đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, là những trường cao đẳng trong cả nước chúng ta cần phải được đầu tư.

Những lĩnh vực thuộc công nghiệp hỗ trợ này, nhà nước cần quy hoạch trong các vùng miền trọng điểm, trọng tâm để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, giúp cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực tốt nhất để đón, mời chào và thu hút đầu tư của các DN lớn vào đầu tư tại VN.

PV: Thưa ông, ông kỳ vọng gì trong chính sách thúc đẩy nguồn nhân lực cho ngành CNHT sắp tới của Chính phủ?

Ông Đồng Văn Ngọc:

Việc đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp những năm gần đây được Chính phủ đầu tư rất lớn. Tại thời điểm này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép triển khai đào tạo nhân lực theo trình độ quốc tế, chúng ta nhập khẩu toàn bộ chương trình từ Úc và Đức.

Cụ thể, ví dụ như trường chúng tôi đang đào tạo ngành cơ khí để đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ theo đúng tiêu chuẩn Đức. Đấy là mặt mạnh, nhưng bên cạnh đó cũng còn hạn chế mà chúng ta cần chỉ ra để quản trị. Cụ thể, chất lượng đào tạo nhân lực còn chưa đều.

Có những đơn vị đào tạo rất tốt, có thể cung cấp được ra cho xã hội, cho DN những nhân lực đủ điều kiện, đủ năng lực, đủ kiến thức, kĩ năng và thái độ làm việc tốt. Tuy nhiên, số lượng này chưa nhiều. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Tôi tin thời gian tới đây, với xu thế phát triển của VN và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư nước ngoài cho ngành công nghiệp hỗ trợ, các trường đào tạo nhân lực như chúng tôi, các trường có chất lượng cao ở VN, đến thời điểm này tôi thấy đã có đủ năng lực để đào tạo nhân lực cho các đối tượng như công nghiệp hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông!

Băng Dương (thực hiện)