Có thể thấy, chính sách hiện hành cho phát triển CNHT mới chỉ tập trung hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn... Tuy nhiên, các chính sách này chưa được đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. 

{keywords}
Công ty TNHH Công nghệ ASG chú trọng đầu tư công nghệ (ảnh: Băng Dương0

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ ASG chia sẻ với VietNamNet: "Chúng tôi thành lập hơn 10 năm nay nhưng hiện tại thì chưa nhận được ưu đãi thuế, phí nào. Hiện, một ưu đãi duy nhất từng nhận được là miễn phí tham gia triển lãm đổi mới quốc gia.

"Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi mong muốn 2 thứ. Một là có chỗ ở ổn định vì với quy hoạch khu công nghiệp chỉ dành cho doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không thể đủ tài chính để vào khu công nghiệp. Thứ hai là chúng tôi mong muốn tìm được đối tác trong nước cung cấp về các thiết bị sản xuất. Chính phủ cũng như các tập đoàn lớn sẽ sản xuất ra một số thiết bị làm chủ công nghệ lõi. Khi làm chủ được công nghệ rồi rất cả các hàng khác chúng ta sẽ sản xuất được một các đơn giản", ông Ngọc chia sẻ. 

Ông Bùi Văn Chí, Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas cho rằng, tiếp cận thông tin chính sách của doanh nghiệp là không dễ. Các doanh nghiệp thiếu nhiều thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phát triển từ ý tưởng đến sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng tuân thủ theo hệ thống quản lý chất lượng như: ISO, 5S, Kaizen..., nhưng vẫn chưa được "điểm cao" trong các Tập đoàn FDI.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu là làm gia công  theo đơn đặt hàng hoặc phát triển sản xuất từ bản vẽ mà ít có sự sáng tạo, đổi mới. 

Để giải quyết bài toán trên, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai Dự án Hỗ trợ tư vấn nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

{keywords}
Công ty TNHH Công nghệ ASG mong muốn mua được các máy móc hiện tại từ chính các doanh nghiệp trong nước (ảnh: Băng Dương)

Dự án đã đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật sản phẩm của 15 doanh nghiệp; nghiên cứu, xây dựng tài liệu đổi mới quy trình công nghệ sản xuất phù hợp với từng doanh nghiệp; xây dựng tiêu chí đánh giá về ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp;…Trên cơ sở đó, các chuyên gia của dự án đã đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển đổi.

Sau thời gian ngắn triển khai, dự án đã đạt những kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng hơn tới các doanh nghiệp CNHT, có những giải pháp về ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn để thực sự tạo ra sự thay đổi.

Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, vấn đề doanh nghiệp CNHT cần nhất hiện nay chính là sự minh bạch trong chính sách. Một chính sách đủ minh bạch, thông suốt và không còn cơ chế “xin – cho” mới là đòn bẩy giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp CNHT.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm.

Thời gian tới, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào CNHT, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.

Văn Thành