Tính từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 18/53 dự án FDI cấp mới thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tổng vốn đăng ký của các dự án về công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 41% trong tổng dự án cấp mới.

Bốn lĩnh vực thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghiêp hỗ trợ gồm: sản xuất linh - phụ kiện cho ngành dệt may, giày da; sản xuất thiết bị cho các loại máy móc; sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất các sản phẩm hóa chất.

Một trong những lý do cho sự thành công này là chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đồng Nai đã được triển khai từ khá sớm.

Trong tổng số 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Đồng Nai có 3 phân khu chuyên thu hút công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đăng ký vào cụm công nghiệp, phân khu chuyên thu hút công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi như sẽ được giảm chi phí sử dụng hạ tầng khi thuê lại đất trong các cụm công nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thực hiện dự án di dời vào cụm công nghiệp sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, hỗ trợ xây dựng cơ sở và phí sử dụng hạ tầng là 30 nghìn đồng/m2 tính theo diện tích thuê lại của chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 10 nghìn đồng m2 đối với doanh nghiệp có quy mô vừa, nhưng không quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ hỗ trợ tối đa là 5 nghìn m2/doanh nghiệp nhưng không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ mức hỗ trợ cao nhất 2 nghìn đồng/m2 và không quá 60 triệu đồng/doanh nghiệp.

Đơn cử như mỗi năm, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức từ 2 đến 3 đợt kết nối giữa các doanh nghiệp FDI  doanh nghiệp trong nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhau. Nhờ đó,xuất siêu của Đồng Nai liên tục tăng cao và chiếm từ 30% đến 50% xuất siêu của cả nước.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, Đồng Nai vẫn tiếp tục phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ khách với các chính sách khuyến khích ưu đãi kèm theo về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý… Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,  tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chiếm từ 53% đến 54% tỷ trọng trên tổng sản phẩm. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 20%. Một số cụm liên kết công nghiệp nhằm tập trung phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia và có năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được thành hình.

Thu Ngân