Theo số liệu thống kê của tỉnh, Đồng Nai đã thu hút được trên 600 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và trở thành một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước do đã thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai chia thành nhiều nhóm ngành khác nhau gồm: xơ sợi dệt, vải, dụng cụ phụ tùng, linh kiện điện tử, thiết bị cho các loại máy móc, nguyên liệu đầu vào cho ngành giày dép... Nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã có mặt tại Đồng Nai như: Bosch, Hyosung, Fujitsu, Schaeffler, Vision Group, Kenda, Mabuchi Motor…. Các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, hơn 10 năm nay, tỉnh đã nghiêm túc thực hiện định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên nguồn vốn FDI đầu tư vào Đồng Nai có khoảng gần 50% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Mục tiêu của tỉnh trong việc ưu tiên thu hút vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ là nhằm cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn và nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc hưởng các ưu đãi về thuế quan từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. “Từ nhiều năm trước, trong các cuộc xúc tiến đầu tư sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Đài Loan... tỉnh đều ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Do đó, doanh nghiệp FDI đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh” - ông Nguyên nói.

{keywords}
Hơn 10 năm nay, tỉnh đã nghiêm túc thực hiện định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên nguồn vốn FDI đầu tư vào Đồng Nai có khoảng gần 50% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, khoảng 3-4 năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng nhanh.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 18/53 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, và vốn đăng ký chiếm trên 41% trong tổng dự án cấp mới.

Để chủ động nguyên liệu sản xuất, tăng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, Đồng Nai đã có những chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh việc xúc tiến thương mại ra nước ngoài thì Đồng Nai rất chú ý đến xúc tiến thương mại tại chỗ. Mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai và doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm của mình để kết nối cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, giảm nhập khẩu. Sau các đợt xúc tiến trên, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đã tìm được nguyên liệu ngay địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, chủ động cho sản xuất.

Hàng năm, tỉnh này tổ chức từ 2 đến 3 đợt để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhau. Cũng vì vậy mà những năm gần đây, xuất siêu của Đồng Nai liên tục tăng cao và chiếm từ 30% đến 50% xuất siêu của cả nước.

Bên cạnh đó, Đồng Nai đã và đang phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo, đặc biệt là các chính sách về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý… Tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động và đều ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Đồng Nai còn thành lập 3 phân khu chuyên thu hút công nghiệp hỗ trợ.

Việc xây dựng chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được xem là giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, bởi việc nâng cao trình độ công nghệ chính là chìa khoá để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đang hoạt động và đều ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn thành lập 3 phân khu chuyên thu hút công nghiệp hỗ trợ.

Khi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đăng ký vào cụm công nghiệp, phân khu chuyên thu hút công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi như sẽ được giảm chi phí sử dụng hạ tầng khi thuê lại đất trong các cụm công nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thực hiện dự án di dời vào cụm công nghiệp sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, hỗ trợ xây dựng cơ sở và phí sử dụng hạ tầng là 30 nghìn đồng/m2 tính theo diện tích thuê lại của chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 10 nghìn đồng m2 đối với doanh nghiệp có quy mô vừa, nhưng không quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ hỗ trợ tối đa là 5 nghìn m2/doanh nghiệp nhưng không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp. Doanh nghiệpsiêu nhỏ mức hỗ trợ cao nhất 2 nghìn đồng/m2 và không quá 60 triệu đồng/doanh nghiệp.

Đồng thời, trong định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đến năm 2030 tỉ trọng công nghiệp của Đồng Nai sẽ chiếm từ 53% đến 54% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh này. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 20%. Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tập trung xây dựng một số cụm liên kết công nghiệp nhằm tập trung phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tâm Anh