Thách thức kép trong tình hình mới

Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về việc rà soát lại các nhiệm vụ đề ra tại dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với những thay đổi về sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra hiện nay.

Theo Bộ Công Thương, kể từ năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất về ngoại thương của Việt Nam.

Những căng thẳng về chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã gây ra những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời, sẽ dẫn tới khả năng doanh nghiệp Trung Quốc lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ.

Các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc và tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Đây chính là cơ hội mà Việt Nam cần tận dụng triệt để, đón xu hướng dịch chuyển đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc, mà chủ yếu là các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao. 

Tương tự Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội toàn cầu. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước trên 2 phương diện: thị trường tiêu thụ (bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu) và nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ cho sản xuất khiến các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với tình trạng đứt gãy tạm thời về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Với tỷ lệ nội địa hoá trong các ngành công nghiệp còn thấp, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phần lớn phải nhập khẩu, sản xuất chủ yếu tập trung ở lĩnh vực gia công hạ nguồn, rủi ro đứt gãy chuỗi sản xuất đối với Việt Nam càng được thể hiện rõ nét trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra.

{keywords}
Công nghiệp hỗ trợ cho ô tô vẫn còn yếu kém (ảnh: Nhi Lê)

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nguồn cung cho các ngành sản xuất trong nước cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam.

Đó là nội lực của các ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài.

Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển nên không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp, đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. 

Ba nhóm giải pháp toàn diện

Theo Bộ Công Thương, bối cảnh kinh tế như trên càng cho thấy tầm quan trọng then chốt của việc phát triển CNHT đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước của sản phẩm, Nghị quyết CNHT đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới.

Hàng loạt giải pháp toàn diện đã được Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo Nghị quyết nhằm tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay.

{keywords}
Công ty Hanel PT đang thúc đẩy sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam (ảnh: Băng Dương)

Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển (được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Luật Đầu tư) đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.

Nhóm giải pháp thứ 2 là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài

Cụ thể hơn, Việt Nam cần xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành, phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển

Nhóm giải pháp thứ 3 là thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.

Cụ thể, bảo đảm quy mô thị trường nội địa thông qua các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế; tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết, tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do…

Bộ Công Thương cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ mang tính chất định hướng, chủ trương, thể hiện sự thống nhất quan điểm của Chính phủ trong việc ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trước tình hình mới hiện nay, Nghị quyết cần sớm được ban hành để làm cơ sở cho các Bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại của công nghiệp Việt Nam, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam trong thời gian tới.

Các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời sẽ thúc đẩy sự phát triển của CNHT, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.    

Thu Ngân

Để bắt kịp thị trường, doanh nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí cần chủ động đổi mới

Để bắt kịp thị trường, doanh nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí cần chủ động đổi mới

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Khánh Hòa đến năm 2025. Qua đó, từng bước mở rộng sản xuất các sản phẩm CNHT đạt chuẩn, cung ứng cho thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.