Theo đó, Chính phủ Malaysia đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Ưu đãi thu hút DN FDI vào các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua chính sách ưu đãi thuế cho các DN FDI đầu tư vào sản xuất máy móc và linh kiện; sản xuất các thiết bị giao thông và linh kiện phụ tùng; sản xuất các thiết bị và linh kiện điện, điện tử; sản xuất các sản phẩm nhựa; Xây dựng các chương trình phát triển các ngành Công nghiệp quy mô nhỏ và vừa để phát triển các nhà cung cấp linh phụ kiện. Mục tiêu chính của chính sách này là nhằm tạo ra một thị trường công nghiệp mà các công ty công nghiệp quy mô nhỏ và vừa của Malaysia có thể trở thành những nhà sản xuất và cung cấp đáng tin cậy về các sản phẩm đầu vào công nghiệp như: máy móc, thiết bị cho ngành công nghiệp lớn… 

{keywords}
Dù xếp sau Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng Malaysia cũng có định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ từ rất sớm.

Malaysia cũng thành lập các cơ quan, tổ chức chuyên trách để quản lý ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, năm 1989, Malaysia đã thành lập Trung tâm Phát triển kỹ năng Penang (PSDC). Trung tâm này có nhiệm vụ nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động trong các công ty và những người vừa tốt nghiệp bậc phổ thông trung học, để vận hành những dây chuyền sản xuất hiện đại. PSDC được đánh giá là có vài trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Malaysia phát triển. Các chương trình đào tạo tại PSDC luôn được cập nhật để phù hợp với nhu cầu thị trường. PSDC còn là nơi các công ty đa quốc gia và các nhà cung cấp trong nước gặp gỡ, trao đổi thông tin chính thức lẫn không chính thức thông qua các khóa đào tạo kỹ thuật. Ví dụ, tỷ lệ nội địa hóa của Công ty Sony EMCS tại Penang đạt khoảng 30 - 40% kể từ khi PSDC được thành lập.

Tiếp đó là Chương trình Phát triển nhà cung cấp (VDP) được triển khai từ đầu những năm 1990. Nhiệm vụ của VDP là phát triển mạng lưới DN nhỏ và vừa chuyên cung cấp linh phụ kiện cho các công ty lớn hơn… Kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, năm 1996, Malaysia đã thành lập Công ty Phát triển công nghiệp nhỏ và vừa (SMIDEC), với nhiệm vụ thúc đẩy, hỗ trợ DNNVV nghiên cứu phát triển công nghệ, đồng thời tiếp thu công nghệ mới từ nước ngoài. Ngoài ra, SMIDEC cũng cung cấp hỗ trợ về mặt tài chính, tiếp cận thị trường, tư vấn dịch vụ, cấu trúc và nhiều thứ khác. Nhờ đó, các công ty đa quốc gia ở Malaysia có tỷ lệ mua sắm nội địa, mua linh kiện trong nước khá cao.

Trong tầm nhìn đến năm 2020, Chính phủ có những thay đổi trong thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, cụ thể hóa và mở rộng các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô. Quy hoạch công nghiệp giai đoạn 2006-2020 đã bổ sung vào danh mục chính sách dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ; tập trung vào tạo ra giá trị, tri thức, nguồn nhân lực và cơ sở hậu cần....Theo đó, chính sách công nghiệp hỗ trợ là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Theo đó, chương trình liên kết công nghiệp hỗ trợ, hợp tác FDI với doanh nghiệp trong nước đã tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực và tiếp cận nguồn vốn (JICA,VDF 2011). Malaysia đã nỗ lực phát triển các nhà cung cấp linh, phụ kiện và tăng cường liên kết công nghiệp giữa các doanh nghiệp lớn với nhà cung cấp trong nước. Chương trình linh phụ kiện triển khai năm 1988 hướng vào khuyến khích bán hàng cho liên doanh lắp ráp ô tô Proton. Proton được coi là “doanh nghiệp mỏ neo”, có nghĩa vụ mua linh, phụ kiện từ các SME; hãng này cùng Chính phủ hỗ trợ kỹ thuật và cấp vốn của nhà nước cho người bán hoặc nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng.

Trong kết nối kinh doanh, Malaysia đã có 85 “doanh nghiệp mỏ neo” và 296 nhà cung cấp. Đáng lưu ý là, trên 54% “doanh nghiệp mỏ neo” là của Malaysia, 32,9% của Nhật Bản và nước Mỹ chỉ có 0,058%. Trong số các nhà cung cấp, 11% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực rèn dập và gia công kim loại, 10% sản xuất linh kiện phụ tùng nhựa, 8,1% doanh nghiệp làm linh kiện và phụ tùng ô tô; riêng hãng Proton đã có trên 56 nhà cung cấp. Do cơ chế phối hợp tốt, thủ tục minh bạch và thực hiện rà soát thường xuyên, tối thiểu hóa được những rủi ro nên Malaysia có nhiều thành công trong hỗ trợ chủ động và toàn diện đối với những lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Thu Nga