Phát triển công nghiệp hỗ trợ có trọng tâm

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có khoảng 25 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Trong chương trình phát triển CNHT, UBND tỉnh đã vạch ra những mục tiêu cụ thể. Trong đó, xác định 4 lĩnh vực CNHT chính được chú trọng đầu tư, gồm: Cơ khí; dệt may, da giày; điện tử, thiết bị điện và lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

{keywords}
Quang cảnh sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang - Cụm Công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Đối với lĩnh vực cơ khí, Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh phát triển ngành chế tạo máy móc, thiết bị và CNHT ngành cơ khí làm động lực để phát triển CNHT chung. Các hoạt động tiếp nhận, chuyển giao, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng thân thiện môi trường phải được các ban, ngành liên quan quan tâm đúng mức.

Các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực là phụ trợ đóng tàu và chế tạo máy.

Trong lĩnh vực phụ trợ đóng tàu, các DN cơ khí làm nhà thầu phụ cho Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam và Nhà máy đóng tàu Cam Ranh.

Các hạng mục phụ trợ mà DN cơ khí thường xuyên thi công gồm: Lan can, cầu thang, thông gió, ống khói, sàn thao tác... của tàu thủy.

Khó khăn do đơn hàng sụt giảm

Dự kiến trong năm 2020, riêng Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam sẽ đóng mới khoảng 16 con tàu. Song, vì dịch Covid-19 nên số lượng tàu đóng mới sẽ giảm xuống còn khoảng 14 tàu. Điều này khiến hàng chục DN cơ khí với hơn 1.000 người lao động bị ảnh hưởng theo.

Lãnh đạo công ty TNHH Hưng Bảo mới đây chia sẻ với báo chí: Đơn hàng những tháng gần đây bị sụt giảm liên tục. Số lượng đơn hàng hiện nay đã giảm khoảng hơn 30% so với những tháng đầu năm. Nếu tháng 6 chúng tôi bàn giao được 25 tấn sản phẩm thì tháng 7 chỉ còn 15 tấn. Cùng với đó, doanh thu giảm bình quân mỗi tháng khoảng 500 triệu đồng”.

Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các DN cơ khí phụ trợ đóng tàu khác như: Công ty TNHH sản xuất - thương mại HTH, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hiệp Thành, Công ty Seyoung Hòa Hiệp, Công ty TNHH Jet Vina... Thậm chí, một số DN phải tạm dừng hoạt động vì không đủ đơn hàng để duy trì sản xuất.

Cũng như các DN cơ khí phụ trợ đóng tàu, hơn 10 DN cơ khí chuyên sản xuất các loại máy chế biến cà phê cũng lâm vào cảnh tương tự. 

{keywords}
Một số DN cơ khí đang gặp khó vì không đủ đơn hàng để duy trì sản xuất. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Ngọc Lân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Gia Bảo cho hay, thời gian qua đã có khá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bên cạnh thi công các hạng mục cho ngành đóng tàu còn nhận thêm các công trình xây dựng để tháo gỡ khó khăn trước mắt. 

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài các DN cơ khí mong muốn các cấp, ngành và địa phương có thêm nhiều giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án sản xuất mới vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, tạo cầu nối cho các DN trong việc tiêu thụ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cơ khí”, ông Lân đề xuất.

Vấn đề thu hút đầu tư, thay đổi tư duy quản lý, vốn…  là giải pháp chính

Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp phải, ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tỉnh cho rằng, để tháo gỡ khó khăn mà các DN cơ khí đang gặp phải, vấn đề thu hút đầu tư, thay đổi tư duy quản lý, vốn… được xác định là giải pháp chính.

Ông Ngoạn cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới của tỉnh hoàn thành cơ sở hạ tầng, khả năng kêu gọi đầu tư sẽ tốt hơn và DN cơ khí sẽ có thêm cơ hội phát triển.

"Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp và sự hỗ trợ của chính quyền, các DN cũng cần chủ động trong việc thay đổi công nghệ, thiết bị để bắt kịp xu thế của thị trường", ông Ngoạn lưu ý.

Minh Đức