Theo Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, chương trình nói trên được triển khai dưới sự phối hợp với Dự án Score - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nằm trong khuôn khổ Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016-2025.

Mục đích của chương trình nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô và điện tử, cơ khí chế tạo và tổ chức kết nối hiệu quả các doanh nghiệp sản xuất trong nước với doanh nghiệp bên mua trong và ngoài nước.

{keywords}
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ

Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được đánh giá toàn diện, nhận các hoạt động tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật tập trung tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tham gia hoạt động hỗ trợ, tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước (Hà Lan, Anh quốc, Hàn Quốc...) để đảm bảo việc cải thiện sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ hội tham gia sự kiện kết nối vào cuối năm nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, giao lưu và làm việc với các doanh nghiệp khách hàng tiềm năng.

Chương trình với sự tham gia của các doanh nghiệp lắp ráp đầu chuỗi, các vendor cấp 1 hoạt động trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử như Samsung, Toyota, GE, Panasonic, Mitsubishi...; Tiến hành khảo sát và đánh giá 100 doanh nghiệp cung ứng dựa trên các tiêu chí; Tổ chức tư vấn, đào tạo tập trung cho 50 doanh nghiệp sau khi đánh giá, chấm điểm tại vòng khảo sát; Tổ chức đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật tại hiện trường đối với 25 doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chí từ doanh nghiệp bên mua; Tổ chức buổi hội thảo kết nối vào cuối năm với sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp bên mua tham gia chương trình.

Ông Đỗ Nam Bình - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đánh giá đây là một chương trình đào tạo, tư vấn bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển ngành công nghiệp, ô tô, điện tử, cơ khí Việt Nam. 

Khánh Vy