Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay chiếm tỉ lệ trên 80% giá trị của ngành công nghiệp điện tử, bao gồm các ngành: công nghiệp sản xuất linh kiện, công nghiệp vật liệu, công nghiệp khuôn mẫu, gia công cơ khí… Trong đó, công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện chiếm tỉ lệ trên 70% của công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, tỉ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân chỉ 20-30%, còn lại chủ yếu là bao bì đóng gói với các chi tiết nhựa, chi tiết kim loại.

{keywords}
Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay chiếm tỉ lệ trên 80% giá trị của ngành công nghiệp điện tử.

Với thị trường tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp linh kiện điện tử, còn toàn bộ mạch tích hợp đều mua từ nước ngoài. Trong khi đó, nguồn nhân lực của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao sản xuất vi mạch bán dẫn.

Theo quan sát của các chuyên gia, thực tế, hiện nay, các doanh nghiệp không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch..., cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, vì thế nếu không được đảm bảo đầu ra, doanh nghiệp chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn. Để làm được điều này phải có “bàn tay” của nhà nước.

Để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, các doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 điều kiện là chất lượng, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Có như vậy, các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu.

Rộng đường chính sách

Hồi năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành Công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nội dung của Kế hoạch hành động nói rõ về việc phát triển Công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành Công nghiệp điện tử.

Ngoài chương tình này, Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, như chính sách về công nghệ cao, liên quan đến việc hỗ trợ cho ngành điện tử. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, doanh nghiệp FDI tận dụng tốt hơn doanh nghiệp Việt.

Việt Nam có lao động lớn nhưng các doanh nghiệp còn một số hạn chế như quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính chưa có… Doanh nghiệp FDI tận dụng tốt cơ hội, còn doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ cơ hội để tận dụng phát triển. Những doanh nghiệp đa quốc gia đầu chuỗi như Samsung, LG… có những tiêu chuẩn quản trị sản xuất, quản lý chất lượng rất khắt khe. Họ quy định chặt chẽ từ hạng mục nhỏ nhất. Còn doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, nguồn vốn, hỗ trợ công nghệ của Nhà nước.

Liên quan đến Công nghiệp hỗ trợ điện tử, đã có nhiều văn bản của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng có nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ điện tử. Từ đó, các DN tập hợp bài bản, có liên kết ngang hình thành nên Công nghiệp hỗ trợ điện tử toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất đầu chuỗi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hỗ trợ về công nghệ như việc Samsung phát triển 3 năm lại đây đã hình thành được hệ thống các doanh nghiệp hỗ trợ; hay như Cannon có đến 176 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử tại Việt Nam cung ứng cho hãng.

Cơ hội "vàng"

Kỳ vọng gì về sự phát triển Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là Công nghiệp điện tử Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng chia sẻ, tại Việt Nam, để thiết kế ra sản phẩm thì phải nghĩ mua ở đâu? Nhiều doanh nghiệp sẽ nghĩ ngay đến Trung Quốc. Nói như thế để thấy Công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam đang có gì? Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu sản phẩm. Nếu chúng ta có chính sách khuyến khích doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc sang sản xuất tại Việt Nam, sẽ có doanh nghiệp nhỏ mở ra, giúp ngành Công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam. Khi chúng ta muốn ở tầng trên của chuỗi giá trị, cần có nền tảng của sự phát triển.

Còn bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, cần phải làm thế nào để Công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam đúng vị trí, tầm cỡ trong khu vực? Nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội vàng như doanh nghiệp đầu chuỗi sang Việt Nam nhiều, cách mạng khoa học công nghệ phát triển nhanh, mạnh… thì chúng ta sẽ không còn cơ hội. Bên cạnh đó, nếu có chính sách tốt, doanh nghiệp nội sẽ có điều kiện để tận dụng cơ hội vàng để phát triển.

Tâm Anh