Theo định hướng chiến lược đến 2025 và tầm nhìn 2035 (Quyết định 1168/2014/QĐ-TTg), Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, chuỗi giá trị và năng lực cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam vẫn còn rất yếu. 

{keywords}
Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung sắt thép, nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô.

Nếu như Thái Lan đang có tới 710 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, thì Việt Nam mới chỉ có khoảng 33 nhà cung cấp cấp 1 và khoảng 200 nhà cung cấp cấp 2, thậm chí còn không có một nhà cung cấp có tên tuổi chuyên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho ngành công nghiệp ô tô.

Theo giới quan sát, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô Việt Nam còn thấp là do qui mô tiêu thụ ô tô tại thị trường Việt Nam còn chưa đủ hấp dẫn.

Theo tính toán của Toyota Việt Nam, số lượng phụ tùng, linh kiện bán được hàng năm phải đạt khoảng 50.000 bộ thì mới khả thi để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, những mẫu xe thành phẩm như Hyundai I1, Toyota Vios… hiện nay cũng mới chỉ có số lượng bán đạt khoảng 20.000 - 30.000 xe/năm.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam được cho là cũng chưa thực sự rõ ràng, chưa đủ sức hấp dẫn các hãng ô tô nước ngoài.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung sắt thép, nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô. Đặc biệt, những bộ phận chịu lực và chịu nhiệt cao như động cơ, hộp số, trục khuỷu... đều phải làm từ gang xám, gang dẻo, gang cầu, hợp kim nhôm thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu.

Thống kê của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, để làm một chiếc ôtô cần từ 30.000-40.000 linh kiện. Trong khi đó, hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp.

Thanh Tú