Các chuyên gia kinh tế phân tích về nguyên nhân khiến ngành công nghiệp Thủ đô không tăng trưởng như mong muốn là do năng lực sản xuất tăng thêm ngành công nghiệp Hà Nội chưa có bước phát triển đột biến.

Một trong những nguyên nhân là do một số nhà máy lại di dời khỏi Hà Nội hoặc cắt giảm sản lượng như: Công ty TNHH General Motors Việt Nam chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp xe ô tô cho Tập đoàn Vinfast lắp ráp tại Hải Phòng; Yamaha Motor có chính sách giảm dần sản lượng… 

{keywords}
Việc một số nhà máy ô tô di dời khỏi Hà Nội hoặc cắt giảm sản đã góp phần làm mức tăng trưởng ngành công nghiệp Hà Nội chững lại. Ảnh minh họa

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp mặc dù đạt mức tăng trưởng 7,72% nhưng mức tăng trưởng giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2018.

Khó khăn của thị trường khiến các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư xây dựng mới… Do đó, tình hình thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội mới chỉ thu hút được 64 triệu USD vốn đầu tư, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong thời gian này, trong khi vốn đầu tư giảm sút, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động 6 dự án, 5 dự án giảm vốn đầu tư, đưa tổng số vốn đăng ký giảm 45 triệu USD. 

Những khó khăn mà khu vực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng đó là Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%, phải đối diện với sự cạnh tranh lớn như giá, chất lượng dịch vụ; chiến lược, đội hình, độ chuyên nghiệp; số lượng sản phẩm và quy mô…

Bên cạnh đó, dù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhưng số doanh nghiệp gia nhập thị trường Hà Nội chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất.

Phản ánh về những khó khăn trong quá trình đầu tư mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp đều có chung ý kiến như: trong quá trình mở rộng sản xuất, doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê để thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất chuyển nhượng, doanh nghiệp lại không được hưởng chính sách ưu đãi từ tiền thuê đất 0,5% phải chịu hệ số 1% hoặc cao hơn, điều này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất. 

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết đang xúc tiến phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Bên cạnh đó Sở cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập năm 2018 và 3 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong tháng 4/2019;…

Hiện nay, Sở đã rà soát 100% các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê duyệt 53 quy trình nội bộ giải quyết 124 thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong năm 2018 và 2019…

Thu Nga