Báo cáo kiến nghị của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã được gửi đến trong khuôn khổ Hội thảo về thúc đẩy cơ khí Việt Nam, do Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức.

Theo đó, Hiệp hội đánh giá, hiện  nay doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng kim loại còn hạn chế cả về số lượng và chủng loại sản phẩm, công nghệ. Vì vậy giải pháp cơ bản là khuyến khích thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, cải tiến các thủ tục đầu tư, có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất sản phẩm trong nước còn thiếu, sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

{keywords}
Cần cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo

Bên cạnh đó, để hỗ trợ hoạt động ươm tạo, Nhà nước cần hỗ trợ, ưu đãi cho các vườn ươm, như hỗ trợ về mặt bằng, miễn giảm thuế cũng như hỗ trợ liên kết với các đơn vị nghiên cứu, các cơ quan Nhà nước trong cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp;

Về tài chính, hiệp hội đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế bảo lãnh tín dụng để các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay dài hạn nhằm đầu tư phát triển; Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng phát triển các gói tín dụng ưu tiên cho ngành cơ khí chế tạo; Có chính sách ưu đãi về thuế, phí cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí quan trọng mà trong nước chưa sản xuất được, sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Về công nghệ, Hiệp hội kiến nghị, đối với các lĩnh vực sản phẩm, công nghệ cơ khí chế tạo quan trọng, Nhà nước xem xét hỗ trợ tìm kiếm nguồn công nghệ và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính trong xây dựng, mua sắm máy móc, đào tạo lao động, kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Đổi mới hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ làm nền tảng để phát triển ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là các công nghệ chế tạo cơ bản. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu mở rộng liên kết, liên doanh, nghiên cứu theo nhu cầu của doanh nghiệp. Thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đo lường, kiểm định, hiệu chỉnh sản phẩm, máy móc thiết bị trong ngành cơ khí.

Đặc biêtj, cần ưu tiên ngành cơ khí được hưởng hỗ trợ từ Quỹ khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Về quản lý, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hiệp hội đề nghị cần kết nối với các dự án quốc tế, chuyên gia nước ngoài về cơ khí chế tạo để hỗ trợ trực tiếp tại các doanh nghiệp, cả về công nghệ và phương pháp quản lý, Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý tiên tiến, nhằm đảm bảo chất lượng, loại bỏ lãng phí và phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Thu Ngân