Câu chuyện của ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai cho thấy, chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thực sự sát với đời sống doanh nghiệp.

Để tiếp sức cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP bổ sung Điểm g, Khoản 2, Điều 20 của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Theo Nghị định 57 có hiệu lực từ đầu tháng 6-2021, DN có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 1-1-2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN.

Cụ thể, trường hợp DN chưa được hưởng ưu đãi thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Nếu DN đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện ưu đãi khác thì được hưởng ưu đãi theo chính sách này cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Trường hợp DN đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện ưu đãi khác thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với ưu đãi về thuế, Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy, tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Theo đó, đã có một nghị quyết riêng của Chính phủ về vấn đề này với mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2 ngàn DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam...

{keywords}
Nếu được hỗ trợ thuế, DN sẽ có thêm nguồn lực để cải tiến, nâng cấp nhà xưởng (ảnh: BD)

Thực tế, dù khuyến khích DN đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, song nhiều năm qua, số lượng DN trong ngành tiếp cận được với sự hỗ trợ thiết thực còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do nhiều chính sách chưa “chạm” được đến nhu cầu thực sự của DN, hoặc thủ tục còn rườm rà, khó khăn.

Do đó, những chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cần “sát sườn” hơn, thủ tục linh hoạt và minh bạch hơn. Cũng như mọi DN khác, DN đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ cần những chính sách trợ lực cụ thể về thủ tục, lãi suất, nguồn vốn, thuế, đất đai…

Ngay tại quy định mới này, theo các DN, việc để nhận được giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền cấp là vấn đề không phải DN nào cũng thực hiện được.

Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho hay, ông đã có hơn 10 năm làm ngành cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nhưng trên thực tế hầu như chưa chạm đến được chính sách hỗ trợ nào.

{keywords}
Công ty Kim Vĩnh Thắng ở Đồng Nai tham gia giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện giao thương (ảnh: BD)

Nhà nước những năm qua đã ban hành các chính sách để xác định mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, để DN tham gia vào chuỗi sản xuất nhưng điều quan trọng hơn là việc triển khai nó đến với DN phải có hiệu quả. Ông Tứ cũng mong rằng sắp tới đây khi DN của ông phải di dời nhà máy do quy hoạch lại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thì sẽ nhận được hỗ trợ nhiều hơn. “Là DN nhỏ và vừa của Việt Nam, trong sự yếu thế so với các DN ngoại, cộng đồng DN chúng tôi mong muốn sẽ có thêm các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành phát triển” - ông Tứ kỳ vọng.

Tại Đồng Nai hiện có khoảng 650 DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm gần 80%, còn lại là DN trong nước. Các DN trong nước đa số nằm ngoài khu công nghiệp với quy mô nhỏ và vừa.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đang là ngành nghề Đồng Nai ưu tiên mời gọi đầu tư nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Đồng thời, giúp các DN có nguồn cung nguyên liệu trong nước ổn định để sản xuất và đáp ứng các yêu cầu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong chính sách phát triển cụm công nghiệp của mình, Đồng Nai cũng khuyến khích, thu hút DN công nghiệp hỗ trợ vào cụm, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất…, song thực tế hiệu quả chưa cao.

Thu Ngân