Dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lao đao

Trước những khó khăn về nguyên, phụ liệu trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, các DN nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn cung từ các DN trong nước.

Mặc dù, thời gian qua năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bình Dương đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy mới chỉ đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...

{keywords}
Sản xuất tại Công ty Phương Vy (TP.Thuận An)

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó tổng giám đốc Công ty Liên Anh cho hay, lâu nay nguồn da nguyên liệu được các nhà máy thuộc da trong nước chào bán thường là da bò thuộc, có chất lượng thấp, mảnh da nhỏ nên khó đáp ứng các đơn hàng giày da xuất khẩu. Trong khi đó, việc nhập khẩu từng lô da phèn về để thuộc thành phẩm thì doanh nghiệp rất khó kiểm soát chất lượng, chủ yếu phụ thuộc vào uy tín của đối tác nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Bình Dương, trong bối cảnh hiện nay, việc một vài doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu không giải quyết được nhu cầu thực tế.

Thêm vào đó, nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước vẫn là tiêu chí các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu hướng đến, song hiện tỷ lệ đáp ứng vẫn thấp. Trong khi đó, những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì doanh nghiệp đều phải nhập từ nước ngoài mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, nhất là các thương hiệu lớn.

"Do đó các bộ, ngành, địa phương cần có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu cụ thể; đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi thuế quan tốt hơn đối với các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ mới có thể giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới", ông Vũ khuyến nghị.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương cũng tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu. Đồng thời, sở phối hợp cùng Ban quản lý các khu công nghiệp tổ chức chương trình kết nối cung-cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tạo mọi thuận lợi thúc đẩy CNHT phát triển

{keywords}
Dây chuyền sản xuất của Công ty Kolon Industries, Khu công nghiệp Bàu Bàng. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp khác, tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, tỉnh đã giao Sở Công Thương triển khai Đề án Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý, chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại địa phương. Trong đó, trọng tâm xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Bình Dương đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng rốt ráo triển khai để sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên, phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển 1 cụm CNHT diện tích 75ha; giai đoạn 2021-2025 đầu tư phát triển 3 cụm CNHT, trong đó có 1 cụm CNHT chuyên ngành cơ khí.

Hiện Bình Dương đã thu hút được hơn 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó đã có một số dự án công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại địa phương. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn KOLON và dự án của Công ty cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…

Minh Đức