Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe.

Với phương án này, có thể đưa ra 3 tình huống để mô phỏng và tính toán tác động của ngành công nghiệp ô tô đến cán cân thương mại quốc gia.

Phương án 1: Không có sản xuất xe con trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Phương án 2: 50% thị phần là xe sản xuất trong nước, tỉ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 40%, xe khác là 50% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 9 tỷ USD và năm 2030 là 17 tỷ USD.

Phương án 3: 80% thị phần là xe sản xuất trong nước, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 70%, xe khác là 80% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 5 tỷ USD và năm 2030 là 9 tỷ USD.

{keywords}
Dây chuyền lắp ráp ô tô bus của Thaco (ảnh: Băng Dương)

Nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở giai đoạn trước của motorization. Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người sẽ ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Có thể khẳng định rằng, giai đoạn motorization chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người >3.000 USD.

Đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần.

Để được hưởng lợi từ xu thế motorization tất yếu nói trên, Việt Nam cần phải nâng cao thị phần của xe sản xuất trong nước với tỉ lệ nội địa hóa cao. Hay nói một cách khác, nếu không có ngành công nghiệp ô tô trong nước thì về lâu dài, Nhà nước cần giải bài toán cân bằng ngoại tệ để đảm bảo lượng ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu ô tô và phụ tùng thay thế trong tương lai.

Văn Thành