Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2020 cả nước xuất khẩu 145.923 tấn xơ sợi dệt, thu về 334,5 triệu USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 37,3% về kim ngạch so với tháng 1/2020; so với tháng 2/2019 cũng tăng mạnh 43,2% về lượng, tăng 24,8% về kim ngạch.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu xơ sợi tăng 5,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2019, đạt 253.789 tấn, giá trị thu về giảm 7,2%, đạt 577,9 triệu USD.

{keywords}
Ảnh hưởng Covid-19, xuất khẩu xơ sợi dệt sang Trung Quốc giảm mạnh

Giá xơ sợi xuất khẩu trong tháng 2/2020 tăng 1,6% so với tháng 1/2020 nhưng giảm 12,9% so với tháng 2/2019, đạt trung bình 2.292,3 USD/tấn. Tinh chung trong cả 2 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 2.277 USD/tấn.

Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại xơ sợi của Việt Nam, chiếm 45,4% trong tổng lượng và chiếm 46,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi của cả nước, đạt 115.220 tấn, tương đương 270,57 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 22% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, giá cũng giảm 10,9%, đạt 2.348,3 USD/tấn.

Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ xơ sợi của Việt Nam chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi của cả nước, đạt 27.732 tấn, tương đương 66,86 triệu USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 17,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; nhưng giá giảm 2,1%, đạt 2.411,1 USD/tấn.

Xơ sợi xuất khẩu sang Đông Nam Á - thị trường lớn thứ 3, chiếm 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi của cả nước, đạt 23.674 tấn, tương đương 60,4 triệu USD, giá 2.551,2 USD/tấn, tăng 25,9% về giá, tăng 17% kim ngạch, nhưng giảm 7,1% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu sợi của Việt Nam giảm do tình hình dịch bệnh bùng phát Trung Quốc (thị trường xuất khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam) khiến các nhà máy dệt tại Trung Quốc phải ngưng hoạt động từ đó giảm nhu cầu nhập khẩu sợi từ Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, tháng 3/2020, các doanh nghiệp dệt ở Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, như vậy các doanh nghiệp sợi Việt Nam sẽ không có đầu ra.

Lâu nay dệt nhuộm luôn là điểm nghẽn trong chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp dệt khá ít và chủ yếu sản xuất để phục vụ thị trường nội địa. Khi chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu bị gián đoạn trong hai tháng đầu năm các doanh nghiệp dệt ít bị ảnh hưởng hơn so với doanh nghiệp sợi và doanh nghiệp may. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu dệt may toàn cầu sụt giảm, các doanh nghiệp dệt cũng sẽ gián tiếp bị ảnh hưởng.

 Khánh Vy