Báo cáo về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 được Bộ Công thương công bố tại Hội thảo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 do bộ này tổ chức ngày 5/9 đã chỉ rõ 5 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam.

Hạn chế thứ nhất được chỉ ra là điểm yếu về thị trường.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu.

{keywords}
5 điểm nghẽn cản trở ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay cả tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Thứ hai là hạn chế về trình độ khoa học công nghệ.

Báo cáo của đại diện Cục Công nghiệp chỉ rõ: “Ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Các doanh nghiệp cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam”.

Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo về người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới đã ra đời, làm thay đổi hoàn toàn cách thức phương thức sản xuất hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn trong đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ mới trong các doanh nghiệp cơ khí”, ông Tuấn Anh nói.

Thứ ba là hạn chế về nguyên phụ liệu.

Hiện nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, tuy nhiên, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu.

Trong khi đó, ở trong nước chúng ta cũng chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, từ đó nâng dần tỷ lệ nội địa hóa và thu mua nguyên phụ liệu trong nước.

Hạn chế thứ tư được đại diện Cục Công nghiệp chỉ ra là vấn đề về nguồn nhân lực.

Nhân lực ngành cơ khí nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao còn hạn chế. Lực lượng nghiên cứu triển khai, nhất là lực lượng tư vấn thiết kế chưa có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

Và cuối cùng là vai trò của hiệp hội ngành nghề cơ khí chưa phát huy hiệu quả.

Hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được tính đại diện trong tập hợp ý kiến và hành động chung; chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các doanh nghiệp thành viên với nhau

Khánh Vy