Trao đổi với báo VietNamnet, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp bày tỏ: Khi chúng tôi nói chuyện với DN, đặc biệt là các Buyer, các khách hàng thì họ nói rằng, yếu tố đầu tiên khi họ đến đánh giá nhà cung cấp thì đó là việc thực hiện 5S như thế nào. Nhiều người nghĩ 5S rất đơn giản, chỉ là mình trưng vài biển 5S, dạy lao động 1 vài buổi 5S là gì, thực hiện 5S như thế nào thì cái đấy chưa phải là 5S.

{keywords}
Áp dụng 5S giúp cho DN tăng năng suất lao động

“Trong khảo sát chúng tôi phối hợp thống kê tất cả các DN trong công nghiệp hỗ trợ thì 5S là từ gần như là phổ biến, nói đến sản xuất là phải nhắc đến 5S nhưng con số chúng tôi thu được cũng khá giật mình. Chỉ khoảng 21% DN là áp dụng 5S, nghĩa là chưa đến ¼ DN áp dụng thực sự 5S vào trong hoạt động sản xuất. Ngay kể cả những  nhà tư vấn, nhiều người cũng chưa có 1 cái nhìn đúng đắn về 5S’, bà Thuý nói.

Thậm chí, nhiều nhà tư vấn sản xuất cho rằng, 5S là chỉ với DN Nhật thôi, còn nếu anh muốn là nhà cung cấp của EU, của các thị trường khác thì có thể không cần thực hiện 5S. Quan điểm này thực sự rất sai lầm, bởi 5S không phải là công cụ cụ thể để hỗ trợ cho việc sản xuất mà nó thực sự là công cụ tạo thói quen tốt cho người lao động.

Để duy trì 5S ngay tại nhà máy, 5S không chỉ ở nhà máy mà ngay cả ở nhà trường, chúng ta cũng phải triển khai 5S và tạo 1 thói quen 5S cho các em học sinh, sinh viên để khi các em vào DN là các em hiểu được 5S là như thế nào.

Việc 5S áp dụng hoàn toàn không thể máy móc. Ở Nhật họ làm như thế đấy thì sang VN chúng ta làm như thế này. Như Toyota làm như thế này đấy thì supplier cũng phải áp dụng đúng như Toyota, việc đấy hoàn toàn không thể. Nó phụ thuộc vào môi trường làm việc và trình độ người lao động trong DN. Khi ta nói đến 5S, ta thường đọc theo thứ tự như ở Nhật nhưng thực chất, từ 5S – trong 5S thì chữ S cuối cùng là chữ S quan trọng nhất. Với môi trường và văn hóa VN, chúng ta không phải là Nhật nên tôi nhận thấy chữ S cuối cùng là chữ quan trọng nhất.

Khi ta dịch sang tiếng Việt là “sẵn sàng” để cố gắng ép vào chữ S cho nó giống nhất với 5S Nhật Bản nhưng từ này có nghĩa là  hình thành và tạo ra thói quen thực hành liên tục, thể hiện được tính chủ động, tự nguyện, tự giác của người lao động, và tính kỉ luật của người lao động. Tất cả ý nghĩa của từ này không thể hiện được hoàn toàn trong từ “sẵn sàng” bởi “sẵn sàng” thì nó hơi 1 chút thể hiện sự chủ động, tôi sẵn sàng rồi, bây giờ ai bảo tôi làm cái gì thì tôi sẽ làm.

Nhưng thực chất, nó có nghĩa là: Làm mà không cần ai bảo mình phải làm. Đấy có nghĩa là tính tự giác, chủ động, kỉ luật của người lao động. Điều này là điều cần có đầu tiên trước khi thực hiện những cái S khác để đảm bảo được tính duy trì liên tục. Để cho DN chủ động làm, đảm bảo được tính bền vững trong DN khi tiến hành cải tiến và 5S là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho sự thành công và việc cải tiến liên tục ở DN. Khi DN chưa làm chủ được 5S thì rất khó để làm được những việc khác.

Băng Dương (ghi)