Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII vừa qua tiếp tục thẳng thắn thừa nhận: "Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần"; "Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực"; "Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội"

Nhìn lại lịch sử, chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam là vấn đề không phải bây giờ mới được đặt ra. Ngay từ Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đã nêu lên việc "Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam".

{keywords}
Ảnh minh họa

 

Báo cáo chính trị của BCH T.Ư tại Ðại hội lần thứ XII của Ðảng (2016) nói đến việc "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Ðúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

Trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ XIII vừa qua (2021), ta đọc thấy: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

So sánh ba văn kiện trên, ta thấy về công việc đã có sự chuyển biến từ "hoàn thiện" qua "xây dựng", rồi tiến đến "tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng… gắn với giữ gìn, phát triển…". Về đối tượng, đã có sự chuyển biến từ "các chuẩn mực giá trị" qua "hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực"; rồi tiến đến "hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người", cùng với đó là "hệ giá trị gia đình". Rõ ràng, ở văn kiện mới, công việc cần làm và cái đích cần đạt tới lại hiện lên một cách đầy đủ hơn, khái quát hơn, chặt chẽ hơn, đồng thời cũng cụ thể hơn và rõ ràng hơn.

Thành Huế - Ảnh Tư Giang