Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, xã đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm đưa chương trình xây dựng nông thôn mới về đích. Trong đó, các giải pháp nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững được chú trọng.

Tuy nhiên, xã Thuận Hóa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Quảng Bình vẫn còn hai tiêu chí chưa đạt là tiêu chí 10 (thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32 triệu đồng/người/năm (quy định đạt là 36 triệu đồng)) và tiêu chí 11 (tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức cao 8,1% (tỷ lệ quy định đạt là ≤ 5%)).

Tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế

Để phấn đấu về đích nông thôn mới, giải “bài toán” về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, xã Thuận Hóa đang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; đồng thời, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững, ưu tiên phát triển và nhân rộng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, xã khuyến khích thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, phát triển kinh tế trang trại, gia trại và kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân nơi đây.

{keywords}
Xã Thuận Hóa phát huy lợi thế từ rừng để cải thiện tiêu chí thu nhập.

Theo đó, phân công cụ thể cán bộ phụ trách các thôn, hộ tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, nhất là các mô hình, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cho sản xuất nông-lâm nghiệp. Đặc biệt, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp với nhiều loại hình và quy mô.

Ban chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của xã và các thôn đã tíc cực khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, liên kết thực hiện các chuỗi giá trị lồng ghép phát triển sản xuất; từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên ruộng đất quê hương.

Điển hình, hiện trên địa bàn xã có Hợp tác xã nuôi ong lấy mật Quyết Thắng đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ mật ong tại huyện Tuyên Hóa, định hướng phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hay tổ hợp tác cà gai leo, sim; trồng nấm, lạc thương phẩm; nuôi bò lai sinh sản, bò vỗ béo, cá lồng, gà thả vườn, dê … cũng có nhiều tiềm năng duy trì và phát triển thành chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy lợi thế từ rừng 

Bên cạnh đó, địa phương quy hoạch vùng sản xuất từng loại cây, con có thế mạnh, xây dựng tốt kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch mùa vụ để khai thác tối đa hệ số sử dụng đất. Xã Thuận Hóa không chỉ chú trọng phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mà còn phát huy lợi thế từ rừng để xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, toàn xã có trên 350ha đất trồng cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo, tràm… Mặt khác, nhiều hộ gia đình trồng cây lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi mang lại nguồn thu ổn định và thoát nghèo. Đây chính là những mô hình cần nhân rộng để giúp người nghèo tự chủ vươn lên.

Bên cạnh đó, xác định xuất khẩu lao động sẽ là hướng đi giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu nhanh, xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, hướng nghiệp, khởi nghiệp để người dân hiểu rõ và mạnh dạn tham gia xuất khẩu lao động. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có 150 lao động đi xuất khẩu lao động tại các nước, như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, với thu nhập bình quân từ 15-30 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, Thuận Hóa đang nỗ lực huy động nguồn lực từ nhân dân để quyết tâm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt và củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững…

Lê Thúy
Ảnh: Ngọc Dũng