Không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người dân, chuyển đổi số còn tác động tích cực tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực của tỉnh Vĩnh Phúc. Vì thế, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp. Tích cực nghiên cứu, hợp tác để làm chủ công nghệ; tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư nền tảng số và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT)...

anh man hinh 2023 10 24 luc 211348.png
Một góc Vĩnh Phúc

Với sự chỉ đạo quyết liệt, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, đến nay, Vĩnh Phúc đã tích hợp được gần 800 thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện và cấp xã trong tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, hiệu quả.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh được quan tâm vận hành. Từ tháng 3/2019 đến hết tháng 2/2021, hệ thống đã gửi/nhận trên 300.000 văn bản, ước tính tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Nền kinh tế số của tỉnh cũng bắt đầu hình thành với gần 7.200 doanh nghiệp đăng ký ứng dụng CNTT vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh ở nhiều mức độ khác nhau. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt (POS). Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Về phát triển xã hội số, đến nay, tỉnh có hơn 88% dân số sử dụng thuê bao băng rộng cố định và băng rộng di động. Ngành giáo dục tích cực triển khai đào tạo trực tuyến, xây dựng kho dữ liệu ngành, triển khai phần mềm soạn thảo giáo án điện tử.

Ngành y tế ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ số để chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Thực hiện khám chữa bệnh từ xa... để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bảo đảm hạ tầng, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số

Được biết, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước; Hình thành được các cơ chế, chính sách để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh. Thúc đẩy quá trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh và xã hội số theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển hạ tầng, nền tảng chuyển đổi số cũng sẽ được tỉnh chú trọng triển khai trong giai đoạn tới.

Theo Sở TT&TT Vĩnh Phúc, để bảo đảm hạ tầng, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, Sở đã báo cáo UBND tỉnh, đang tham mưu đề xuất một số nội dung như: đầu tư nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung - LGSP tỉnh Vĩnh Phúc. Nâng cấp Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc và các cổng thành phần. Xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh không gian mạng SOC. Xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh IOC. Thiết kế xây dựng kho lưu trữ số tập trung và cổng dữ liệu số của tỉnh...

Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khác như: tuyên truyền, đào tạo, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường các hoạt động hợp tác, đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp...

Duy Khánh