Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 250 ngàn ca mắc mới, khoảng 5 ngàn người tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại; thậm chí đã lây lan nhanh trở lại tại một số nước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo nhiều dự báo, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh tại nhiều nước trong thời gian tới. Việt Nam dù đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch ở các giai đoạn trước, nhưng cũng không ngoại lệ. Chính vì thế, để phòng chống dịch một cách hiệu quả hơn, Việt Nam cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh ở các cấp độ.

{keywords}
Phòng, chống dịch COVID-19, một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2020

Đánh giá về vấn đề này, ThS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho rất nhiều bệnh nhân Covid cho biết: "Bản thân Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đều đã có những kịch bản chi tiết cho các trường hợp, ví dụ 100 bệnh nhân chúng ta sẽ làm thế nào, 1.000 hoặc 10.000 bệnh thì phương án ra sao… Có một cái tôi thấy rất tốt của hệ thống y tế Việt Nam đó là tính biến đổi và thích ứng với từng tình huống để điều chỉnh dù đã có những kịch bản chi tiết như vậy".

Theo ThS.BS Trần Thị Hải Ninh, đến thời điểm hiện tại có thể nói chúng ta đã thành công trong chống Covid-19 ở giai đoạn đầu. Đối với giai đoạn tiếp theo nếu dịch lại bùng phát thì vai trò của hệ thống y tế cơ sở là rất quan trọng, vì đó là những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, hỗ trợ điều trị trong giai đoạn đầu để bệnh nhân không tiến triển nặng. Do đó việc tăng cường năng lực cho các tuyến y tế cơ sở rất quan trọng.
" Rất may mắn là ngay từ giai đoạn đầu chúng ta đã khởi động rất tốt toàn bộ hệ thống y tế, rồi Bộ Công an, lực lượng quân đội do đó đã hạn chế được tối đa đối tượng mắc bệnh. Các tuyến cơ sở cũng làm rất tốt việc theo dõi đánh giá bệnh nhân để hạn chế những tiến triển nặng", ThS.BS Trần Thị Hải Ninh chia sẻ.

Trước đó, trong một báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo các tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ, với tinh thần là phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi; phải tính đến tình huống xấu nhất để không xảy ra.

"Tình huống xấu nhất, chúng tôi dự tính tới 30.000 trường hợp bị nhiễm. Chúng ta vào cuộc sớm, chủ động và đưa ra giải pháp sớm hơn, cao hơn so với khuyến nghị của WHO và các nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Khánh Vy