Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng hai bên cần tiếp tục chỉ đạo tạo điều kiện mở cửa hơn nữa cho nông sản hai nước xuất khẩu vào nhau, tiến tới công nhận lẫn nhau để giảm các rào cản và đỡ mất thời gian xét duyệt từng doanh nghiệp trong cả lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi.

Đây là cơ sở để doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy thương mại, tận dụng tốt nhất ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (AEAU).

"Các doanh nghiệp 2 bên cần lưu ý và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu. Hai bên cũng cần chỉ định hay giới thiệu các doanh nghiệp đầu mối có đủ khả năng để gom hàng nông sản mỗi bên tạo lợi thế quy mô và giảm chi phí logistics để kết nối các hệ thống siêu thị/phân phối," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

{keywords}
Sản phẩm cà phê của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hợp tác giữa Việt Nam-Liên bang Nga trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chủ yếu là thương mại. Kim ngạch thương mại Việt-Nga hai chiều giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD/năm; trong đó nông sản chiếm khoảng từ 18-20%, tương đương 900 triệu USD/năm. Con số này so với tiềm năng kinh tế và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước có thể nói là vẫn khá khiêm tốn, cần cải thiện mạnh trong thời gian tới.

Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu từ cà phê, thủy sản, rau quả. Đối với nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm lúa mỳ, thủy sản, gỗ, cao su và gần đây là thịt lợn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trong cơ cấu các mặt hàng, có thể nói các sản phẩm nông sản hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau mà bổ sung cho nhau.

Bởi vậy, hai bên cần tận dụng được lợi thế so sánh và các sản phẩm thế mạnh và đặc biệt biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh dịch COVID-19, góp phần cho mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung đạt 10 tỷ USD như mục tiêu lãnh đạo hai nước đã đề ra.

Về đầu tư, tính đến tháng 12/2020, Nga đứng thứ 25 trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam với 139 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 943,77 triệu USD.

Ngược lại, Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư sang Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn gần 3 tỷ USD; trong đó lớn nhất là dự án xây dựng tổ hợp công nông nghiệp về sản xuất tập trung động vật gia súc và chế biến các sản phẩm sữa sử dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH True Milk.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phía Liên bang Nga phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác đầu tư nông nghiệp giữa hai bên. Kèm theo đó, tăng cường hợp tác khoa học công nghệ, liên doanh liên kết, đặc biệt công nghệ mới và công nghệ cao trong chế biến nông thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Hai bên cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức các diễn đàn hợp tác/xúc tiến thương mại trực tuyến và trực tiếp nhằm thúc đẩy thương mại và xử lý các vướng mắc kỹ thuật.

Ông Sergey Levin, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu nhưng hai bên vẫn thường xuyên có các cuộc tiếp xúc về thương mại và đầu tư với phương thức mới.

Diễn đàn doanh nghiệp thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam-Liên bang Nga diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp nhóm công tác nông nghiệp Việt Nam-Liên bang Nga lần thứ 2 lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai bên để tiếp tục phát triển trên cả phương diện đối ngoại trong thời gian tới.

Phía Nga rất mong muốn phát triển và củng cố sự phát triển và mở rộng sự hợp tác giữa hai bên. Để củng cố quan hệ thương  mại phát triển, Nga sẽ cử một đại diện sang Việt Nam hoạt động tại Đại sứ quán ở Hà Nội để tham gia các hoạt động này trong thời gian tới.

Như Sỹ