Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đã đánh giá cao Việt Nam với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những con số biết nói

Quyền con người, đúng hơn là việc phát triển con người, là một vấn đề trung tâm trong tiến trình phát triển ở Việt Nam. Điều này đã được chứng minh qua Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020, vừa được công bố hôm 16/12 tại Hà Nội.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo đó, chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704.  Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới (xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ). Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng cho thấy từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.

Đáng chú ý, tiến bộ phát triển con người của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định. Mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%, giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% và hệ số GINI (đo lường bất bình đẳng thu nhập) ở mức 35,7, là một trong những mức thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn. Việt Nam nằm trong nhóm đầu trong 3 nhóm về số năm không sống khỏe theo tỷ lệ phần trăm tuổi thọ (11,7%) và số giường bệnh (32 giường/100.000 dân). Tất cả giáo viên tiểu học đều được đào tạo, điện khí hóa nông thôn đạt 100% dân số, tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã và đang thực hiện tốt bình đẳng giới. Với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội đưa Việt Nam vào nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nói về kết quả HDI của Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đánh giá, Việt Nam đạt được mức Phát triển con người cao là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn và nhanh hơn trong giai đoạn tới. Đất nước đang ở thời điểm quan trọng xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội cho giai đoạn tiếp theo. Vì vậy những hoạch định được đưa ra tại thời điểm này sẽ quyết định Việt Nam có tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ bất bình đẳng thấp hay không, đồng thời quyết định Việt Nam có thể phát triển nhưng giảm áp lực lên hành tinh và tăng cường sự hài hòa của con người và môi trường.

HDI- phản ánh sự phát triển của một quốc gia

HDI – Human Development Index là “Chỉ số phát triển con người” đã được Liên hợp quốc đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990 và coi đây là một chỉ số tổng hợp để đánh giá trình độ phát triển của một quốc qua hay một vùng lãnh thổ.

HDI chính là thước đo, là phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe tri thức và thu nhập. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia, dựa vào năm tiêu chí: Một là con người là trung tâm của sự phát triển; hai là người dân là mục tiêu của sự phát triển; ba là việc nâng cao vị thế của người dân (bao gồm cả sự hưởng thụ và cống hiến); bốn là chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho người dân về mọi mặt (thí dụ như tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch,...); năm là tạo cơ hội để lựa chọn tốt nhất cho người dân về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...

Khi xét về chỉ số phát triển con người, UNDP xem xét cả số giường bệnh trên 100 nghìn dân, tỷ lệ giáo viên tiểu học được đào tạo toàn bộ, rồi các vấn đề điện khí hóa nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp của người dân...; UNDP còn xem xét cả tỷ lệ người dân tham gia vào hệ thống chính trị, được tham gia vào các việc như đưa ra các ý kiến góp ý cho các đường lối, các chính sách, thậm chí là tự do ngôn luận, cũng như sử dụng mạng internet...

Lấy ví dụ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho mọi đối tượng xã hội, bà Caitlin Wiesen đã đánh giá cao việc Việt Nam có một cơ chế rõ ràng và nhất quán trong việc triển khai các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), hay việc nước ta phê chuẩn các công ước của LHQ về quyền con người, trong đó có Công ước của LHQ về Quyền của người khuyết tật năm 2014.

Nhiều ý kiến khác thì đánh giá qua việc Việt Nam đã tham gia 7 trên 9 Điều ước quốc tế về Quyền con người cơ bản, đó là một dấu mốc quan trọng. Và gần đây là những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự và nhiều luật khác cũng là những bước tiến lớn trong việc đảm bảo nhân quyền.

{keywords}
Ảnh minh họa

Trong một hành trình liên lục, Chính phủ Việt Nam đã chủ động, nỗ lực thực hiện hàng loạt biện pháp và điều chỉnh hàng loạt luật... điều đó đã giúp cải thiện Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số về giáo dục, y tế, việc làm, các vấn đề phát triển nông thôn.

Việt Nam được ghi nhận là một trong những mô hình thành công nhất của thế giới trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thể hiện bằng việc Việt Nam làm giảm được mức tỷ lệ đói nghèo xuống hơn một nửa chỉ trong vòng mười mấy năm gần đây. Mô hình của Việt Nam được nhiều nước áp dụng.

Hiện nay ở Việt Nam, lực lượng báo chí chính thống rất đông đảo. Việt Nam khẳng định là người dân ngày càng được tiếp cận về hệ thống thông tin truyền thông và thực tế việc sử dụng internet của Việt Nam rất cao, lên tới 70% dân số. Việc phát triển internet ở Việt Nam không chỉ phục vụ cho học hành, tìm hiểu thông tin, mở mang kiến thức, giao lưu, mà còn thực hiện các quyền con người. Điều này có thể thấy qua việc người dân thực hiện các quyền dân sự, hay quyền tham gia vào việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, góp ý với các văn kiện của Đại hội Đảng luôn sôi nổi, đa chiều.

Những thành tựu sống động này chính là cơ sở để chi số phát triển con người ở Việt Nam không ngừng được cải thiện, Việt Nam đã vươn lên, được ghi nhận nhằm trong nhóm các quốc gia có Chỉ số phát triển con người cao trên thế giới.

Hòa Bình