Đã gần 11 năm trôi qua nhưng D. (quê Tây Ninh) vẫn còn ám ảnh bởi những tháng ngày bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ của một người đàn ông tật nguyền.

Tin lời bạn thân, D. lên đường sang Trung Quốc thăm bạn đã lấy chồng ở xứ người. Sau 3 ngày di chuyển qua nhiều chặng đường để đến một vùng núi chìm trong tuyết trắng lạnh buốt, D. nhận được câu nói từ người bạn thân: "Mày bị bán rồi, ở đây lấy chồng chứ không được về, không chịu thì bị dắt lên núi giết chết".

Như cá đã vào rọ, D. buộc lòng phải chấp nhận làm vợ cho một người đàn ông mà theo D. là "ngáo ngáo thế nào". Hằng ngày, D. bị nhốt trong căn phòng kín, không cho ra ngoài giao du với ai bởi sợ cô sẽ bỏ trốn. Cuộc sống bức bối, tủi nhục đến tận cùng khiến cô gái này trở nên mạnh mẽ hơn. Cô khát khao bỏ trốn, bằng mọi giá để tìm về quê hương.

Nhân lúc gia đình chồng sơ hở, D. chạy thoát thân. Nhờ sự giúp sức của những người Việt tại Trung Quốc, D. đã về đến quê hương sau 4 tháng bị lừa bán sang Trung Quốc.

Trường hợp của D. chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của nạn mua bán người. Nhưng qua đó có thể thấy phần nào số phận bất hạnh, đắng cay mà những con người yếu thế phải chịu đựng.

{keywords}
Mua bán người gây tổn thất nạng nề cho các nạn nhân.

Theo báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm, năm 2018 có khoảng 50.000 người được phát hiện và báo cáo là nạn nhân của mua bán người tại 148 nước. Con số thực tế sẽ còn có thể cao hơn nhiều.

Ở Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ, 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đáng chú ý, ngoài việc mua bán người nhằm mục đích hoạt động mại dâm, bóc lột sức lao động như trước đây, công an phát hiện một số trường hợp mua bán người nhằm mua bán trẻ sơ sinh, nội tạng, bộ phận cơ thể.

Mua bán người tiếp tục là vấn nạn không chỉ tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của quốc gia mà còn gây tổn thất nặng nề đối với nạn nhân và gia đình của họ.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người có xu hướng tinh vi hơn, sử dụng mạng xã hội nhiều hơn khiến cho tình trạng mua bán người bị đẩy sâu vào trong bóng tối và gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, giải cứu nạn nhân. Vì vậy, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chặn đứng loại tội phạm vô nhân đạo này, trong đó giải pháp về việc lấy nạn nhân làm trung tâm là một trong những giải pháp tiên quyết để giải quyết các vấn đề của nạn nhân và đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Thực tiễn cho thấy, để chặn đứng nạn mua bán người, bên cạnh việc lực lượng công an đi đầu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác điều tra tội phạm, đấu tranh có hiệu quả với những đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, tập trung các đợt cao điểm trấn áp tội phạm mua bán người trong phạm vi toàn quốc; các cơ quan tư pháp đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người thì các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho người dân phải ngày càng đổi mới, phù hợp với nhận thức, trình độ của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống tại quê nhà, giảm các nguy cơ phát sinh do di cư thiếu an toàn.

Hạ Nhiên