Hiệp hội Gia cầm Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến cho các hội viên, trang trại chăn nuôi gia cầm cả nước về nhận diện và đối phó với bệnh cúm gia cầm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, trang trại cũng đã tham luận những phương pháp hiệu quả trong việc sử dụng vắc-xin phòng chống bệnh cúm gia cầm trên các biến chủng mới.

{keywords}
Biến chủng mới cúm gia cầm đang là mối đe doạ với ngành chăn nuôi. Ảnh Thu Hà

Trong đó, vai trò, cách thức sử dụng, lịch tiêm phòng, ứng dụng vắc-xin Medivac AI trong kiểm soát bệnh cúm gia cầm được đánh giá cao trong tình hình hiện nay.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, bệnh cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2003 - 2004, thậm chí còn lây sang người. Tại thời điểm đó, vì chưa có vắc-xin đặc hiệu nên bệnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi nước nhà. Sau khi có vắc-xin, ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển mạnh mẽ qua nhiều năm.

Hiện nay, sự lưu hành các chủng virus cúm gia cầm tại Việt Nam đang thuộc 2 phân nhóm chính. Đó là nhóm virus cúm độc lực thấp (LPAI), trong đó đáng lưu ý là chủng virus H9N2 và nhóm virus độc lực cao (HPAI).

Với nhóm này, H5N1 vẫn tiếp tục lưu hành với các clade như 2.3.2.1c, 1.1. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều biến chủng, tổ hợp virus mới phải kể đến như H5N6 với các clade 2.3.4.4g và 2.3.4.4h gây tỷ lệ chết cao trên gà.

Đầu tháng 7/2021, Cục Thú y đã thông báo về chủng virus cúm gia cầm mới H5N8 độc lực cao xuất hiện tại Việt Nam.

Trên thế giới, virus cúm gia cầm A/H5N8 được nghiên cứu và ghi nhận chủ yếu thuộc clade 2.3.4.4b, còn tại Việt Nam đang có những nghiên cứu thêm để làm rõ các đặc điểm và mức độ thiệt hại của chủng cúm mới này.

Với sự biến đổi nhanh và tạo ra các tổ hợp, biến chủng mới, cúm gia cầm đang là mối đe doạ với chăn nuôi gia cầm. Mỗi lần xuất hiện chủng virus gây bệnh mới lại gây thiệt hại vô cùng lớn, bởi việc nghiên cứu, bào chế vắc-xin sẽ phải mất thời gian.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng virus này gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng virus khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam).

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng virus CGC A/H5N8 tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do virus cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta.

Trước nguy cơ này, nhiều hộ chăn nuôi, trang trại gia cầm rất quan tâm đến các biện pháp, kỹ thuật phòng chống dịch cúm gia cầm.

Cũng tại Hội thảo, nhiều câu hỏi về thực trạng bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam đã được các chuyên gia, đặc biệt là Tiến sỹ Budi Purwanto giải đáp chi tiết và phù hợp với từng trường hợp cụ thể của doanh nghiệp và trang trại  Việt Nam.

Thu Hà