Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học (CNSH) mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho phát triển KT – XH. Nắm bắt kịp thời xu thế đó, tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt việc ứng dụng CNSH trong nhiều lĩnh vực và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

{keywords}
Ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi giúp bà con phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym trong sản xuất chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thay thế dần việc sử dụng các hóa chất, thuốc bảo quản hóa học, tạo ra các sản phẩm sạch, có chất lượng, tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

An toàn sinh học trong lĩnh vực y - dược được ngành y tế của tỉnh áp dụng nghiêm ngặt bằng các quy định về an toàn sinh học; đồng thời đẩy mạnh thực hiện công nghệ gen, công nghệ tế bào gốc trong chẩn đoán, giám định và điều trị các loại bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, triển khai thực hiện tốt các chương trình tiêm chủng

Những năm qua, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng đã đầu tư kinh phí, trang thiết bị hiện đại để ứng dụng CNSH trong chọn tạo và phục tráng các loại giống vật nuôi.

Bò Vàng là vật nuôi nổi tiếng và quý hiếm trên Cao nguyên đá Đồng Văn với chất lượng thịt thơm, ngon. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, giống bò Vàng Cao nguyên đá dần bị mai một. Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng đã bảo tồn, phát triển nguồn gen giống bò Cao nguyên đá Đồng Văn bằng cách chăm sóc tốt đàn bò đực giống và bò cái sinh sản; ứng dụng CNSH trong ủ chua, dự trữ thức ăn; sản xuất hàng chục nghìn liều tinh đông lạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện kế hoạch thụ tinh nhân tạo của các địa phương. 

Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng triển khai dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng việc sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hầm khí Bioga, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý thức ăn chăn nuôi, chế biến phân hữu cơ…

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất là xu thế tất yếu, mang lại “lợi nhuận kép”; vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; vừa phục tráng và tái tạo nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu; giúp hình thành và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản chủ lực của tỉnh; góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Thành quả trên đã minh chứng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, CNSH được ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Kim Chi