Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao và thực hiện các biện pháp chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học đã chứng minh được tính khả thi, giúp phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả.

Là một trong các địa phương trong cả nước đẩy mạnh mô hình này, nhiều hộ chăn nuôi, trang trại… trên địa bàn Gia Lai đã thu được thành công, góp phần ổn định ngành chăn nuôi của tỉnh và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. 

{keywords}
Chăn nuôi an toàn sinh học giúp đàn gia cầm phát triển tốt. Ảnh Thu Hà

Gia đình chị Nguyễn Thanh Phương ở huyện Cư Ma’gar nhờ áp dụng công nghệ khoa học và biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã ổn định thu nhập, đàn gia cầm phát triển tốt, mang lại lợi nhuận.

Trước đó, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng, xây dựng chuồng trại khép kín rộng hơn 2.000 m2 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng và tổ chức nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.

Chị cho biết, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với điều kiện của gia đình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. 

Chuồng trại có hệ thống phun sương hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Nền chuồng cao ráo với mức nhiệt độ giữ ổn định 27-30 độ C nhờ hệ thống bioga sưởi ấm và máy lạnh.

Bên cạnh đó, chuồng có gắn camera an ninh, máng ăn tự động nên dễ kiểm soát, điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống cho phù hợp với đàn gà.

Năm đầu tiên, chị thu lãi 150 triệu đồng sau khi trừ đi mọi chi phí. Hiện, chị tiếp tục mở rộng chuồng trại, đầu tư thêm gà giống.

Chị chia sẻ: “Tôi thích nhất ở mô hình này là gà không lo bị mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, chất lượng thịt ngon và an toàn với sức khỏe con người”.

Đại diện Trạm Khuyến nông huyện Cư Ma’gra chia sẻ: Chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm mà còn có tính bền vững khi ổn định được đầu ra, giá cả, tạo nguồn thu nhập ổn định; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân học hỏi, mở rộng mô hình liên kết này để có thu nhập ổn định hơn.

Một hộ dân khác là gia đình anh Trần Song Phú ở thôn 6, xã Cư M'gar. Anh Phú trước đây trồng cây cà phê, song những năm gần đây giá cà phê bấp bênh, cây cà phê bước sang giai đoạn già cỗi cho năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2018, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế qua sách báo, đài và tham quan các mô hình thực tế. anh nhận thấy nuôi gà siêu trứng an toàn sinh học đang được thị trường ưa chuộng và là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế. Gia đình anh quyết định chuyển đổi 1,7 sào đất trồng cà phê để làm trang trại nuôi gà siêu trứng.

Ban đầu gia đình anh nuôi 5 ngàn con gà siêu trứng, tuy nhiên do chưa nắm vững kỹ thuật nên gà đẻ không đều, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Tìm hiểu để nắm chắc kỹ thuật và học hỏi từ các mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thành công khác, anh Phú mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi, với quy mô 10 ngàn con gà siêu trứng.

Nhờ áp dụng công nghệ cao, đàn gà siêu trứng được nuôi trong khu chuồng trại tiêu chuẩn, có hệ thống máng ăn uống tự động, sạch sẽ, quạt mát... thức ăn thảo dược kết hợp quy trình kiểm soát an toàn dịch bệnh nên gia đình anh Phú đã thu được thành công.

“Thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều tỉnh thành, Đắk Lắk cũng có 1 vài ổ dịch nhưng khu vực tôi tương đối an toàn. Đàn vật nuôi không bị dịch bệnh nhờ quy trình kiểm soát tốt, hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhiễm”, anh nói.

Thu Hà