Theo Kế hoạch truyền thông chống Covid-19 vừa ban hành, Tiểu ban Truyền thông lưu ý, truyền đi thông điệp về chính sách phòng, chống dịch liên tục được điều chỉnh đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta. Đặc biệt với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sỹ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

Cùng với đó, đánh giá đúng nguy cơ dịch tễ để khoanh vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách đến mức nhỏ nhất; chiến lược chống dịch lâu dài có 03 yếu tố: vắc xin, xét nghiệm và điều trị (phủ nhanh tiêm vắc-xin, xét nghiệm nhanh, hướng đến tự xét nghiệm, điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở); các nỗ lực và giải pháp kiểm soát tốt dịch song song với phương án, kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo an dân, an lòng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiểu ban Truyền thông cũng yêu cầu đầu tư tăng các bài, chương trình phân tích kỹ, ý kiến chuyên gia về các thông điệp chống dịch quan trọng: Biến thể Delta vừa lây lan nhanh, lại vừa kéo dài; chu kỳ ủ bệnh giờ kéo dài hơn, 18 ngày chứ không còn 14 ngày, nồng độ (tải lượng) virus hơn gấp 1.000 lần so với chủng ban đầu; khi mới nhiễm ít có biểu hiện, nhưng nếu chuyển từ nhẹ sang nặng thì lại xấu đi rất nhanh.

Để chống lại con virus với 3 đặc thù mới này thì biện pháp chống dịch phải rất khác trước đây. Vì vậy, xét nghiệm là then chốt để biết dịch. Xét nghiệm thì phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, để cách ly nhanh F0, nhanh chóng phân loại F0 để chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả. Điều trị phải kịp thời, từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, giảm mạnh các ca chuyển biến nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Vắc xin là “căn cơ”, tỷ lệ tiêm vắcxin là yếu tố quyết định để “thích ứng an toàn có kiểm soát” trong trạng thái “bình thường mới”.

{keywords}
Xét nghiệm là then chốt, vắc xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát (ảnh: Phạm Hải)

Bên cạnh đó, phải truyền đi thông điệp “5K + vắc xin + xét nghiệm + ý thức người dân”. Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, tăng cường giãn cách trong giai đoạn trước, hiện đang từng bước nới lỏng giãn cách, xác định “sống chung với Covid”, cần tăng cường khuyến cáo, nâng cao ý thức của người dân, không nên lơ là, chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch, tránh tâm lý “xả hơi” sau thời gian dài giãn cách để bảo vệ thành quả chống dịch chung. Chống dịch hiệu quả cần hơn hết là ý thức của tất cả người dân, để chiến thắng trước Covid-19 thực sự là chiến thắng của nhân dân.

Tiểu ban Truyền thông cũng lưu ý tới vấn đề thông tin cụ thể về tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn; các giải pháp cụ thể phòng, chống dịch (giãn cách, phong toả ở đâu, dừng giãn cách ở đâu, những việc người dân cần làm, được làm và các điều kiện đi kèm).

Tiếp tục thông tin về kế hoạch hỗ trợ người dân để bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh, nhu cầu an sinh, các hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện giúp đỡ những người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; các tấm gương tự lực, tự cường chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

Tuyên truyền các kỹ năng tự phòng, chống dịch và bảo vệ cho mỗi người dân và mỗi gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch. Ngoài ra, cần tuyên truyền vận động người dân tích cực chấp hành các yêu cầu của chính quyền để sớm đạt các tiêu chí trong phòng, chống dịch, như: đi tiêm vắc xin, đi xét nghiệm, khai báo y tế thường xuyên và trung thực...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch

Về vấn đề viễn thông, Tiểu ban Truyền thông yêu cầu hoàn thành triển khai phủ sóng các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang giãn cách phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến.

Đồng thời, tổ chức tốt hoạt động các tổng đài hỗ trợ khai báo y tế, tổng đài trả lời phản ánh của người dân, để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời người dân cần trợ giúp về các vấn đề về y tế, lịch tiêm vắcxin, cập nhật thông tin tiêm chủng và chứng nhận tiêm chủng, cài đặt Sổ sức khỏe điện tử..., hỗ trợ công tác tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng, chống dịch.

Về ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch - an toàn thông tin, Tiểu ban Truyền thông yêu cầu tiếp tục chia sẻ thông tin, hỗ trợ xử lý các thông tin xấu độc, tin gây hoang mang về dịch Covid-19. Đặc biệt, quy hoạch, tổ chức lại một cách khoa học, bài bản các nền tảng, ứng dụng công nghệ hiện có và tích hợp vào một ứng dụng duy nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới, tập trung vào hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn trong vùng dịch vì cách ly và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại tại các địa phương nới lỏng giãn cách. Phát triển các giải pháp phân tích dữ liệu, xây dựng các mô hình dự báo về xu hướng phát triển của dịch bệnh, từ đó tham mưu cho Ban chỉ đạo, Chính phủ về các giải pháp ứng phó hiệu quả, Tiểu ban Truyền thông nhấn mạnh.

Hà Giang