Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, tính tự cung tự cấp khá cao nên khá ổn định so với một số nước phải nhập khẩu nhiều nông sản. Nhiều nước đang đánh giá, Việt Nam hoàn toàn không thiếu hàng hóa. Trong khi nhiều nước, nguy cơ mất an ninh lương thực cao nếu dịch kéo dài.

Tuy nhiên, ông  Đào Thế Anh cũng lưu ý, trước diễn biến phức tạp của dịch, thì việc đầu tiên phải ổn định là nông nghiệp. Bởi, Việt Nam dân số đông, đòi hỏi an ninh lương thực cao.

{keywords}
Trước diễn biến phức tạp của dịch, việc đầu tiên phải ổn định là nông nghiệp. Ảnh minh họa

Hiện nay, các địa phương rất chú ý đến nông nghiệp trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19. Đại dịch sẽ tác động tổn thương đến tất cả các ngành kinh tế, nhưng đặc thù ngành nông nghiệp nếu sản xuất tốt sẽ góp phần quan trọng trong cung cấp nhu yếu phẩm lương thực, thực phẩm cho đất nước.

Cùng đó, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam như: Trung Quốc, EU, Mỹ buộc các nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.

Khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp với vai trò trụ đỡ trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực.

Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” Chính phủ nhấn mạnh, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, cho nên, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối.

Cụ thể, dự kiến năm 2020 sản lượng thóc ước đạt 43,5 triệu tấn thóc; trong đó cân đối cung cầu lương thực khoảng 30 triệu tấn thóc, dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn thóc và 6,5 đến 7 triệu tấn gạo xuất khẩu (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn thóc).

Về sản xuất, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.

Để tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện đón cơ hội từ thị trường, ngành không chỉ chuyển dịch thị trường xuất khẩu mà còn định hướng chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm trong chế biến. Cụ thể, ngành khuyến cáo các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm đóng hộp… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ; đặc biệt khi mùa hè quay trở lại.

Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp sẽ liên tục tái cơ cấu, hình thành các vùng sản xuất gắn với các nhà máy chế biến để chuỗi giá trị nông sản không chỉ còn là bán thô mà đổi mới từng bước nhằm tạo ra giá trị sâu nhất. Bên cạnh mở rộng thị trường, các thị trường truyền thống cũng phải khai thác chất lượng hơn, trên nền tảng tổ chức sản xuất theo chuỗi để hàng hóa có số lượng, chất lượng tốt với giá thành cạnh tranh.

Mặt khác, nhằm giải quyết các nút thắt cho phát triển sản xuất, duy trì thương mại nông sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng; chi phí sản xuất, thuế, phí, logistics…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng đối phó với dịch COVID-19; trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch. Và, Bộ Tài chính cũng cần triển khai nhanh chóng gói giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh, bảo quản cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; xem xét hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp trong ̣nước…

Bởi Quan trọng hơn cả là phục vụ thị trường trong nước bền vững thì mới tính đến xuất khẩu. 100 triệu dân cả nước trong bối cảnh này vẫn chủ động được lương thực, thực phẩm là một kết quả rất tốt đẹp. Đây cũng là tiền đề ngành nông nghiệp tiếp tục chuẩn bị các bước tiếp theo để song song với dịch có những điều kiện tiếp tục tổ chức xuất khẩu, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Hồ Nhụy