Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với cơ quan đầu mối là Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị nòng cốt đã có nhiều Chương trình, Đề án hưởng ứng Cuộc vận động, qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình kích cầu tiên dùng, kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo với các hoạt động tập trung tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và chủ động tạo mối liên kết hữu cơ trong cộng đồng doanh nghiệp góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Việt Nam. Thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động trong mọi tầng lớp nhà sản xuất, người tiêu dùng.

{keywords}
Hàng Việt chiếm ưu thế trên các kênh phân phối (Ảnh:Bảo Anh)

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, bên cạnh việc từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đáng chú ý, nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng đã có thay đổi với 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến cuộc vận động; 67% người “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các đơn vị trong ngành đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động triển khai nhiều chương trình hành động và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao từ 80-90%: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (90%)... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên...

Phát huy vai trò của thị trường nội địa

Để tiếp tục triển khai Cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo, ngày 19/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ, tập trung triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài giai đoạn 2021-2030”a là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư nêu trên; Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 (tại Quyết định số 373/QĐ-BCT ngày 04 tháng 02 năm 2021) và các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt là Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025” với các nội dung đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động và các nội dung “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm quảng bá cho hàng Việt Nam có chất lượng và các doanh nghiệp Việt Nam uy tín, sản xuất xanh, áp dụng truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt, từ đó nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng Việt Nam.

Huy Linh