Sáng 5/7, cuộc họp triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 với sự chủ trì của Phó CT UBND TP HCM Võ Văn Hoan.

Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, kế hoạch triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 với 6 nhóm được hỗ trợ, gồm: hỗ trợ tiền ăn người bị cách ly y tế và cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP tại khu vực thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.

{keywords}
Ảnh minh họa. Thanh Tùng

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê, TP HCM có trên 230.000 người lao động tự do sẽ được hỗ trợ khó khăn với mức 1,5 triệu đồng/người. Đặc biệt, những trường hợp này chỉ cần đăng ký tạm trú tại TPHCM, không cần phải có hộ khẩu thường trú.

Cụ thể, lao động tự do bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ cho 2 lần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31/5 đến 14/6 và từ ngày 15/6 đến 29/6 gồm hai nhóm chính sách:

Nhóm 1 (người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, thu gom rác, bốc vác vận chuyển bằng xe ba gác, bán vé số; tự làm trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch…).

Trong 3 ngày làm việc, UBND phường, xã sẽ rà soát, thống kê, lập danh sách NLĐ đủ điều kiện theo mẫu số 3, thông qua hội đồng xét duyệt cấp xã rồi báo cáo UBND TP Thủ Đức và quận, huyện.

Trong 2 ngày làm việc tiếp theo, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ thẩm định, phê duyệt danh sách gửi lại UBND phường, xã để chi trả tiền hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ trong 2 ngày. Nếu không đủ điều kiện hỗ trợ thì phường, xã phải trả lời cho người dân biết.

Nhóm 2 (lao động làm thuê tại chỗ kinh doanh, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch (gồm cả bảo vệ) và một số lĩnh vực phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM): Chủ sử dụng lao động lập danh sách lao động gửi cho UBND phường, xã nơi đặt trụ sở doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về danh sách này.

"Thủ tục lần này rất đơn giản, thể hiện trách nhiệm của cơ quan BHXH, chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp, NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ không phải làm thủ tục gì hết, chỉ có người bị chấm dứt HĐLĐ thì phải làm giấy đề nghị. Thủ tục hỗ trợ năm nay đã giảm bớt những việc rườm rà, phiền phức cho NLĐ"- ông Lê Minh Tấn nói.

Duy Khánh